Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu toàn cầu công bố ngày 22/2 chỉ ra rằng cứ 5 người được hỏi thì có 3 người - tương đương 61% - cho biết họ không tin tưởng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Queensland và KPMG Australia - một mạng lưới toàn cầu gồm các công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn - đã khảo sát hơn 17.000 người ở 17 quốc gia trên thế giới, ví dụ như Australia, Trung Quốc, Pháp và Mỹ, vốn là những quốc gia được coi là đi đầu trong hoạt động AI.
Theo nghiên cứu, chỉ 39% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tin tưởng các hệ thống AI. Mặc dù khoảng 85% tin rằng việc sử dụng AI sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện hiệu quả, đổi mới, giảm chi phí và sử dụng tài nguyên tốt hơn, song 73% số người được hỏi cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn từ việc sử dụng AI.
[ChatGPT: "Cú hích" cho sự phát triển AI tại thị trường Việt Nam]
Trong số 9 rủi ro được liệt kê, an ninh mạng là mối quan tâm chính của 84% số người được khảo sát, tiếp đến là tình trạng thao túng hoặc sử dụng AI gây hại và mất việc làm do tự động hóa.
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng 61% số người được hỏi lo lắng về tác động "không chắc chắn và không thể đoán trước" của AI đối với xã hội, với 71% số người được hỏi tin rằng cần phải có quy định về AI.
Ông James Mabbott - đối tác phụ trách tại KPMG Futures - cho biết thách thức chính là 1/3 số người được hỏi không tin tưởng vào chính phủ, các tổ chức công nghệ và thương mại để phát triển, sử dụng và quản lý AI vì lợi ích tốt nhất của xã hội.
Ông cho rằng các tổ chức có thể xây dựng lòng tin trong việc sử dụng AI của họ bằng cách đưa ra các cơ chế thể hiện việc sử dụng có trách nhiệm, chẳng hạn như thường xuyên theo dõi độ chính xác và độ tin cậy, thực hiện các quy tắc ứng xử của AI, đánh giá và chứng nhận đạo đức AI độc lập cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mới được đưa ra./.