Tuyên Quang: Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào

16:25 - 31/08/2024

Về Tân Trào hôm nay, điều dễ thấy là xã mang diện mạo mới với những ngôi nhà mọc lên san sát, tuyến đường nhựa, đường bêtông đi đến khắp các thôn, bản của xã.

Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Là mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, lựa chọn làm Trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam để lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào hôm nay tiếp tục đoàn kết, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nơi khởi nguồn cách mạng Việt Nam

Tháng 5/1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng.

Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945. Trên địa bàn xã Tân Trào hiện có 47 di tích lịch sử; trong đó có nhiều di tích gắn liền với những năm tháng hoạt động của Trung ương Đảng và Bác Hồ.

Chị Đỗ Phương Thảo, hướng dẫn viên tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cho biết, di tích lán Nà Nưa là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.

Để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, địa điểm này đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu của Bác đề ra lúc bấy giờ. Đó là gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.

Tại đây, sau một lần bị ốm nặng, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp với câu nói bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập.”

Năm nay đã 87 tuổi nhưng ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào vẫn nhớ như in lần ông được gặp Bác Hồ và chứng kiến khí thế hào hùng của những ngày Tổng khởi nghĩa.

Ông Ngọc chia sẻ, năm diễn ra những sự kiện lịch sử ở Tân Trào, ông còn nhỏ (8 tuổi). Sau này, ông được nghe bố mẹ kể lại rằng ngày đó hầu hết các hộ dân trong thôn đều có cán bộ về ở cùng. Khi mới về đây, Bác Hồ ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự thời gian ngắn rồi sau đó lên lán Nà Nưa, chân núi Hồng hoạt động.

ttxvn_suc_song_moi_tren_que_huong_cach_mang_tan_trao_tuyen_quang_2.jpg
Hệ thống đường giao thông đồng bộ tại xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc hội) khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; quy định Quốc kỳ của là lá cờ đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh và Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh....

Dưới gốc đa Tân Trào, người dân địa phương còn được chứng kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất quân tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô...

Cuộc sống mới trên quê hương cách mạng

Tân Trào là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Trào đã và đang phát huy truyền thống, tạo nên diện mạo quê hương cách mạng ngày càng khởi sắc.

Cùng với chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ, xã Tân Trào còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xã cũng có các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như mật ong Tân Trào, rượu men lá và sản phẩm chè Vĩnh Tân đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao...

Ông Lý Văn Dư, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho hay, những năm gần đây người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đời sống ngày càng cải thiện. Ngoài ra, Nhà nước quan tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định. So với trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Về Tân Trào hôm nay, điều dễ thấy là xã mang diện mạo mới với những ngôi nhà mọc lên san sát, tuyến đường nhựa, đường bêtông đi đến khắp các thôn, bản của xã. Đặc biệt, Tân Trào nay không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; duy trì chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 90% và 8/8 thôn đạt chuẩn văn hóa; xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón trên 520.000 lượt khách; tổng thu xã hội từ các dịch vụ du lịch: ăn uống, lưu trú, dịch vụ trải nghiệm văn hóa, mua sắm đạt trên 230 tỷ đồng...

Ông Hoàng Đức Soài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang khẳng định, có được kết quả này là nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã.

ttxvn_suc_song_moi_tren_que_huong_cach_mang_tan_trao_tuyen_quang_3.jpg
Khách du lịch tham quan tại xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Những năm gần đây, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả sang thực hiện theo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người dân. Để khai thác và phát huy tiềm năng du lịch địa phương, xã đang thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch, khuyến khích lao động địa phương làm dịch vụ du lịch, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực.

Đồng thời, xã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, trọng tâm là sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường; tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế của khu di tích, tạo việc làm cho người dân...

Xã Tân Trào phấn đấu đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm; thu hút 6.000 lượt khách du lịch lưu trú; số người qua đào tạo nghề đạt trên 75%; duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, xã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu, từng bước đưa Tân Trào đạt chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2026-2030.../.

 Nguồn: Tuyên Quang: Sức sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào | Vietnam+ (VietnamPlus)