Tuyen duong sat Lao-Trung ho tro thuc day thuong mai xuyen bien gioi hinh anh 1Một góc nhà ga hàng hóa ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động với hàng triệu tấn hàng hóa và hàng triệu lượt hành khách được vận chuyển, tuyến đường sắt Lào-Trung không chỉ giúp giảm mạnh chi phí vận tải mà còn mở rộng khả năng xuất khẩu sang nhiều quốc gia và khu vực.

Tham gia lĩnh vực vận tải hàng hóa qua biên giới từ năm 2000, hơn 20 năm vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ, công ty vận chuyển hàng hoá LTC&TPAS có trụ sở tại thủ đô Vientiane (Lào) hiểu rất rõ nỗi khó khăn, vất vả và hiểm nguy của việc vận chuyển hàng hóa trên những khu vực rừng núi hiểm trở vốn chiếm phần lớn diện tích của nước này. Hơn một năm qua kể từ khi có đường sắt, công ty này đã quyết định chuyển sang vận tải bằng loại hình trên.

Chia sẻ với các phóng viên TTXVN tại Lào, ông Vilaysack Bountome, Giám đốc LTC&TPAS, cho biết trước đây để vận chuyển hàng hóa từ thủ đô Vientiane lên Boten, tỉnh Luang Namtha, giáp biên giới với Trung Quốc, công ty chỉ có một cách duy nhất là vận chuyển bằng đường bộ. Việc sử dụng các xe tải cỡ lớn, chạy trên các tuyến đường núi quanh co, nhỏ hẹp, hiểm trở và ít được đầu tư của Lào mất rất nhiều thời gian, nếu mùa khô ít nhất cũng phải 2-3 ngày, nếu mùa mưa thì còn lâu hơn nữa, chưa kể nguy cơ gặp trục trặc như xe hỏng dọc đường và tai nạn là khá cao. Việc chuyển sang vận tải đường sắt không chỉ giúp công ty vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn, mà còn giúp giảm thời gian vận chuyển xuống chỉ còn 4 giờ.

[Lào, Thái Lan, Trung Quốc xây cầu đường sắt vận chuyển hàng hóa]

Cũng theo ông Vilaysack, qua hơn một năm vận chuyển nhiều loại hàng hóa bằng đường sắt, LTC&TPAS nhận thấy hình thức vận chuyển này giúp tiết kiệm hơn rất nhiều so với vận tải bằng đường bộ, trung bình ở mức khoảng từ 35-40%, trong khi tai nạn thì hơn 1 năm qua chưa xảy ra vụ nào.

Chỉ tính riêng gần 2 tháng đầu năm 2023, công ty trên đã vận chuyển được hơn 30.000 tấn hàng hóa xuất qua Trung Quốc an toàn.

 

Đi vào hoạt động từ tháng 12/2021, tính tới ngày 25/2/2023, tuyến đường sắt Lào-Trung đã vận chuyển được gần 1,9 triệu lượt khách nội địa ở Lào, tỷ lệ hành khách đạt 87,25%, vận chuyển bình quân 4.065 lượt người/ngày.

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2023, tuyến đường này đã vận chuyển trên 400.000 lượt hành khách nội địa ở Lào.

Về vận chuyển hàng hóa, tính tới cuối tháng Hai năm nay, tuyến đường sắt trên đã vận chuyển gần 2,9 triệu tấn hàng hóa xuyên biên giới Lào-Trung, trị giá hơn 2 tỷ USD. Từ 10 loại hàng hóa ban đầu, đến nay, số lượng mặt hàng được vận chuyển bằng tuyến đường này đã tăng tới hơn 1.200 loại.

Nhận thức được hiệu quả từ vận chuyển đường sắt, đến nay, không chỉ hàng hóa từ Lào mà cả Thái Lan và Malaysia cũng đã thực hiện các dự án kết nối với hệ thống đường sắt Lào-Trung nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản tới Trung Quốc.

Sau khi thử nghiệm xuất khẩu gạo và hoa quả, Thái Lan hiện đang đẩy mạnh việc kết nối đường sắt của nước này với đường sắt Lào-Trung, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một cây cầu đường sắt mới song song với Cầu Hữu nghị Lào-Thái số 1 ở thủ đô Vientiane để hỗ trợ vận chuyển container xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua đường sắt Lào-Trung.

Dự kiến, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 300.000 tấn nông sản, cao su và hàng hóa xuyên biên giới từ Thái Lan sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc qua tuyến đường sắt này.

Không chỉ giúp giảm mạnh chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, khi chính thức thực hiện vận chuyển hành khách qua biên giới trong thời gian tới, tuyến đường này sẽ giúp tăng mạnh lượng du khách, qua đó góp phần phục hồi ngành du lịch và kinh tế của Lào nói riêng và các nước trong khu vực nói chung./.

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)