Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc

14:49 - 26/01/2024

Vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc La Sơn - Tuý Loan mới đây một lần nữa cho thấy việc đưa ứng dụng công nghệ bánh xoay vào các cung đường đèo dốc sẽ hạn chế được những vụ TNGT thương tâm.

Sáng 23/1, ôtô khách loại 45 chỗ ngồi BKS 47B - 010.67 của nhà xe Quỳnh Hương chạy tuyến Đắk Lắk - Hải Dương do tài xế Phương Thanh Tùng (SN 1988, trú huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển, trên xe chở 22 người (19 hành khách, 3 nhân viên nhà xe) lao xuống vực sâu tại Km 36+400 đường La Sơn – Hòa Liên, trên cao tốc La Sơn - Tuý Loan (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). 

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 1.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia tại hiện trường vụ tai nạn

Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ TNGT là do trời mưa, sương mù, trời tối làm hạn chế tầm nhìn, lái xe buồn ngủ gây ra tai nạn. Vị trí xảy ra tai nạn là đoạn đường cong, dốc, đường có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, nằm ngoài khu đông dân cư. Mặt đường bê tông nhựa, mặt cắt ngang 11m, có hệ thống biển báo, vạch sơn kẻ đường đầy đủ. Tuy nhiên tại hiện trường vụ tai nạn, xe tải lao thẳng xuống vực sâu khiến phương tiện bẹp dúm. Hậu quả khiến 2 người tử vong và 20 người trên xe bị thương.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Liên quan vụ tai nạn tại cao tốc La Sơn - Túy Loan, chúng tôi đã cùng đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát thực tế tại hiện trường. Các bên sẽ có ý kiến để Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo lên Bộ GTVT để có đánh giá tổng thể về điều kiện ATGT của tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan. Đặc biệt sớm có các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp với đặc điểm, điều kiện, địa hình của từng khu vực. Để đảm bảo các đánh giá về ATGT của công trình, kết cấu hạ tầng đang khai thác, chúng ta cần khảo sát đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ trước khi có kết luận giải pháp có thể làm đối với đoạn tuyến xảy ra tai nạn này cũng như toàn bộ đoạn tuyến từ La Sơn đi Túy Loan".

Công nghệ hộ lan bánh xoay tại đường đèo dốc có tác dụng gì?

Các chuyên gia giao thông cho rằng, để thực hiện việc kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi người điều khiển phương tiện vi phạm Luật GTĐB thì cũng cần có những giải pháp lâu dài, đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý và triển khai rộng rãi.

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 2.

Công nghệ hộ lan bánh xoay được lắp đặt trên QL6 đoạn Dốc Cun, Hòa Bình

Dẫn chứng tại khu vực Quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình là cung đường huyết mạch nối liền Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc, do điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, cung đường này tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT và Dốc Cun là một trong những "điểm đen" TNGT trên tuyến đường này. 

Với mong muốn đưa công nghệ áp dụng vào thực tiễn kéo giảm những vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra (đặc biệt tại các khu vực đèo dốc), sau khi được các cơ quan chức năng cho phép, Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh đã tiến hành lắp đặt thử nghiệm hộ lan con lăn bánh xoay trên Quốc lộ 6, khu vực Dốc Cun. Đây là một phát minh đến từ Hàn Quốc, được lắp đặt trên các cung đường đồi núi hay các khúc cua gấp nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện.

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 3.

Cơ cấu bánh xoay làm cho lực va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment trượt, qua đó chuyển hướng va chạm, đưa phương tiện trở lại quỹ đạo lưu thông, hạn chế các va chạm liên hoàn với các xe khác, ngăn chặn hoàn toàn xe vượt rào chắn khi xảy ra va chạm, tai nạn

Chia sẻ về nguyên lý hoạt động của hộ lan con lăn, ông Lê minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh cho biết, khi có va chạm, hệ thống rào chắn hấp thụ lực tác động trực tiếp thông qua cơ cấu giảm chấn và truyền lực phân bố đều lên toàn bộ hệ thống kết cấu gồm thanh rào, bánh xoay, trụ. 

Cơ cấu bánh xoay làm cho lực va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment trượt, qua đó chuyển hướng va chạm, đưa phương tiện trở lại quỹ đạo lưu thông, hạn chế các va chạm liên hoàn với các xe khác, ngăn chặn hoàn toàn xe vượt rào chắn khi xảy ra va chạm, tai nạn.

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 4.

Hệ thống bánh xoay được lắp đặt tại điểm đầu khi vào hầm chui tại các tuyến giao thông ở Hàn Quốc

Thùng xoay (bánh xoay) sử dụng vật liệu có những đặc tính nổi bật của hạt nhựa EVA như mềm dẻo ở nhiệt độ thấp, bền xé, trong suốt, dễ gắn và dán ở nhiệt độ thấp, có khả năng phối trộn với lượng lớn các chất độn. Sản phẩm thùng xoay sẽ chuyển đổi năng lượng sốc thành năng lượng quay để ngăn chặn tai nạn, va chạm thứ 2 và khởi hành trở lại làn đường. Thùng xoay còn có tác động dẫn hướng xe tai nạn theo hướng di chuyển để ngăn chặn va chạm từ phía sau từ những chiếc xe sau.

Không giống như các loại hộ lan hay tường phòng hộ hiện nay đang sử dụng, hệ thống bánh xoay này có cơ chế tạo moment xoay và khả năng hấp thụ năng lượng va chạm khi các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ mất kiểm soát va đâm vào hệ thống phòng hộ.

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 5.

Hệ thống bánh lăn được lắp đặt tại Dốc Cun

Sau thời gian triển khai lắp đặt thử nghiệm hộ lan con lăn tại Dốc Cun, số vụ tai nạn giao thông đã giảm hẳn. Nhiều tài xế cho biết, nhờ đặc thù bên ngoài của con lăn có đèn phản quang và nổi bật, nên các tài xế đã ý thức được đoạn đường nguy hiểm.

Dưới đây là một minh chứng cụ thể. Vào lúc 13h21 ngày 8/5/2019 tại Km79+400 Quốc lộ 6, đoạn qua Dốc Cun (thuộc phường Chăm Mát, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm một xe ô tô tải đổ lật ngang chiếm toàn bộ 1/2 mặt đường. 

 

Theo camera ghi được, xe tải BKS 90C-059.63 đang di chuyển theo hướng Sơn La - Hòa Bình. Khi vào cua, lái xe tải đi lấn làn và không làm chủ tốc độ nên suýt đâm vào người điều khiển xe máy đi đúng chiều. Lúc này, lái xe tải không kiểm soát được tay lái nên chiếc xe tải lật nghiêng va vào hộ lan con lăn. Hậu quả, đầu và thùng xe tải hư hỏng nhẹ, hàng hóa trên xe văng vãi khắp đường nhưng không có thiệt hại về người.

Cần áp dụng rộng rãi hệ thống rào chắn bánh xoay

Nhờ có hộ lan con lăn phân tán lực tác động nên chiếc xe tải không bị lao ra ngoài mà bị đẩy trở lại vào trong. Có thể thấy, hộ lan con lăn sau khi đưa vào thử nghiệm, nếu được áp dụng rộng rãi sẽ giảm bớt được nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 6.

Một vài khu vực đã lắp đặt hệ thống bánh xoay tại các "điểm đen" TNGT

Đặc biệt theo đánh giá của các tài xế, nhờ màn phản quang trên bánh xoay rất sáng, đặc biệt khi đèn chiếu vào ban đêm nên rất dễ xác định quỹ đạo, phạm vi đường xe chạy an toàn, đánh thức giác quan, nâng cao sự tập trung của người điều khiển phương tiện. Đây là điều rất quan trọng vì nguyên nhân nhiều nhất gây ra tai nạn giao thông là yếu tố con người, khả năng nhận diện mức độ nguy hiểm, mất tập trung do mệt mỏi, buồn ngủ, căng thẳng do đường dài quanh co liên tục…

Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc- Ảnh 7.

Hệ thống bánh xoay phát sáng trong đêm giúp tài xế dễ dàng quan sát và tham gia giao thông an toàn hơn

Đánh giá về hiệu quả khi triển khai lắp đặt công nghệ hộ lan con lăn bánh xoay khu vực Dốc Cun, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Từ khi lắp đặt thử nghiệm hệ thống rào chắn bánh xoay ETI, số vụ tai nạn trên đoạn tuyến đã giảm hẳn, rất hiệu quả trong việc tăng cường an toàn giao thông tại các đoạn đường cong với nhiều ưu điểm. 

Trong đó, kết cấu của hệ thống rào chắn bánh xoay chống lật xe, giảm lực va đập. Đồng thời hệ thống này làm tốt nhiệm vụ cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí đường cong do khả năng phản quang cao và màu sắc nổi bật. Đồng thời, so với các hệ thống rào chắn khác, hạng mục này có chất lượng tốt, hình thức và màu sắc đẹp, phù hợp với mọi cấp đường đặc biệt là những tuyến đường có yều cầu cao về thẩm mỹ".

Trước những hiệu quả khi triển khai thực tế công nghệ bánh xoay ETI, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cần áp dụng rộng rãi hệ thống rào chắn bánh xoay để tăng cường an toàn giao thông trên các đoạn đường cong, đặc biệt là xử lý điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Nguồn: Từ vụ xe khách lao xuống vực ở Đà Nẵng, nhìn lại công nghệ hộ lan bánh xoay giúp giảm TNGT đường đèo dốc | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)