Từ ngày 1/9, Chi cục Đăng kiểm thực hiện cấp giấy chứng nhận thiết kế phương tiện thủy

07:08 - 20/08/2024

Từ 1/9/2024, người làm thủ tục thẩm định thiết kế phương tiện thủy có thể gửi hồ sơ đến các Chi cục Đăng kiểm để được đánh giá, cấp chứng nhận thiết kế đạt yêu cầu.

Từ ngày 1/9, Chi cục Đăng kiểm thực hiện cấp chứng nhận thiết kế phương tiện thủy - Ảnh 1.

Cùng với Cục Đăng kiểm VN, Chi cục Đăng kiểm là cơ quan thực hiện tiếp nhận, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa, Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa ký ban hành Quyết định số 1002/QĐ-BGTVT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2024.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung thủ tục: cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa.

Đáng chú ý, thay vì thủ tục chỉ được giải quyết tại Cục Đăng kiểm VN như trước, từ 1/9/2024, các Chi cục Đăng kiểm (hiện trực thuộc Cục Đăng kiểm VN) cũng là đầu mối tiếp nhận, thẩm định hồ sơ để cấp 2 loại giấy chứng nhận trên.

Để được cấp giấy chứng nhận, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ (trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến Cục Đăng kiểm VN hoặc Chi cục Đăng kiểm. Nếu hồ sơ không đầy đủ sẽ được hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày (nộp trực tiếp), 2 ngày (nộp qua bưu chính hoặc trực tuyến); nếu đủ được hẹn ngày trả kết quả.

Cục Đăng kiểm VN, Chi cục Đăng kiểm hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn, nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trong thời hạn 20 ngày làm việc (đối với thiết kế loại phương tiện đóng bằng vật liệu mới, công dụng mới hoặc các phương tiện hoạt động tuyến vận tải đường thủy ven biển, từ bờ ra đảo, giữa các đảo; phương tiện chở khí hóa lỏng, chở xô hóa chất nguy hiểm; tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy nhỏ hơn hoặc bằng 60oC, có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên; tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí; nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, tàu chở khách có sức chở từ 100 khách trở lên) hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc (đối với thiết kế không phải là loại kể trên. Nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để khắc phục các tồn tại.

Tổ chức, cá nhân phải lệ phí 50.000 đồng/1 giấy chứng nhận và giá dịch vụ thẩm định thiết kế tính theo biểu giá ban hành kèm theo Thông tư số 237/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính về việc quy định về giá kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa.

Về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện thủy, theo quy định tại Thông tư số 16/2023 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; có hiệu lực từ 15/8/2023), các đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy được xếp hạng thành hạng I, II, III và thực hiện công tác đăng kiểm như sau:

a) Đơn vị đăng kiểm hạng III thực hiện công tác đăng kiểm đối với phương tiện thủy nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT, phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính dưới 300 sức ngựa, phương tiện thủy nội địa có sức chở dưới 50 người (trừ tàu cấp VR-SB, tàu nhiều thân, tàu chở công te nơ, tàu cao tốc chở khách, tàu đệm khí, tàu cánh ngầm, tàu dầu, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm).

b) Đơn vị đăng kiểm hạng II thực hiện công tác đăng kiểm đối với các loại phương tiện thủy nội địa (trừ tàu dầu có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên, tàu hàng cấp VR-SB có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên hoặc tàu khách cấp VR - SB có sức chở từ 100 người trở lên, tàu chở hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng nguy hiểm).

c) Đơn vị đăng kiểm hạng I thực hiện công tác đăng kiểm đối với tất cả các loại phương tiện thủy nội địa.