Tư lệnh Binh đoàn 12 bật mí giải pháp thi công cao tốc của doanh nghiệp quân đội
21:35 - 15/02/2024
Tạp chí Giao thông vận tải trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong những doanh nghiệp giao thông có đóng góp lớn nhất trong hành trình chinh phục các mục tiêu về đường cao tốc của ngành GTVT.
Năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT, thành quả đạt được còn có sự đóng góp to lớn của các nhà thầu với tinh thần: "Vượt nắng, thắng mưa", "không thua đại dịch", "ăn tranh tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết" để đảm bảo tiến độ cho các dự án cao tốc trên khắp các vùng miền đất nước.
Nhân dịp đầu năm mới Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí Giao thông vận tải trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong những doanh nghiệp giao thông có đóng góp lớn nhất trong hành trình chinh phục các mục tiêu về đường cao tốc của ngành GTVT.
Đảm bảo tiến độ, chất lượng hàng loạt dự án cao tốc
Tính đến thời điểm này, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án thành phần. Chỉ tính riêng năm 2023 có đến 6 dự án thành phần hoàn thành. Với vai trò là người đứng đầu của doanh nghiệp đảm nhiệm thi công với sản lượng rất lớn trên cao tốc Bắc - Nam, Thiếu tướng chia sẻ về các kết quả đạt được trong năm qua của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1?
Tại dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn triển khai thi công tại 5 dự án thành phần, gồm: Mai Sơn - QL45 (gói XL13), QL45 - Nghi Sơn (gói XL1), Nghi Sơn - Diễn Châu (gói XL02), Cam Lộ - La Sơn (gói XL02), Diễn Châu - Bãi Vọt (gói XL02).
Trong năm 2023, chúng tôi đã hoàn thành 4/5 gói thầu, còn lại gói thầu XL02 đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ hoàn thành theo kế hoạch vào dịp 30/4/2024.Ngoài 5 dự án thành phần trên, trong năm 2023, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn tập trung triển khai thi công gói thầu XL02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 với tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch để Bộ GTVT tổ chức thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 24/12/2023.
Tất cả các gói thầu do chúng tôi đảm nhiệm thi công luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng, thực hiệnđúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Thực tế có những thời điểm nhiều người trong ngành GTVT nhận định các dự án thành cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu… không thể hoàn thành đúng kế hoạch trong năm 2023. Là người trong cuộc, quan điểm của Thiếu tướng về nhận định trên thế nào?
Tôi cho rằng đó là nhận định có cơ sở. Bởi, phải nói thẳng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 triển khai trong giai đoạn vô cùng khó khăn khi hầu hết các nhà thầu mạnh đều suy yếu, thiếu dự án, dẫn tới cạnh tranh rất khốc liệt.
Đứng trước bối cảnh đó buộc nhiều chủ đầu tư phải chia nhỏ các gói thầu với liên danh khoảng từ 3 đến 5 nhà thầu trong một gói dẫn tới nảy sinh nhiều vướng mắc trong công tác tổ chức, điều hành, khó phát huy được năng lực thực tế của các nhà thầu.
Cùng với đó, thời điểm triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 cũng là lúc đại dịch Covid-19 hoành hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai thi công. Dịch bệnh vừa giảm nhiệt thì "bão giá" đẩy giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng phi mã trong khi việc điều chỉnh giá không kịp thời, song hành với tình trạng khan hiếm vật liệu đá, cát, đất đắp.
Một khó khăn khác cộng hưởng làm quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 gặp nhiều trở ngại là vấn đề đơn giá, định mức xây dựng cao tốc chưa phản ánh đúng bản chất, thực tế công việc gây ảnh hưởng nặng nề đối với hiệu quả sản xuất của các nhà thầu thi công xây lắp.
Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, các nhà thầu nói chung và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói riêng đều trong cảnh càng làm nhiều càng lỗ nhiều. Tuy vậy, với trách nhiệm của một doanh nghiệp quân đội lớn, chúng tôi luôn nêu cao việc phải vượt qua mọi thách thức để khẳng định năng lực, thương hiệu, uy tín, nhằm đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng, Bộ GTVT, các ban QLDA khi lựa chọn Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tham gia các gói thầu.
Đồng thời, việc khẳng định năng lực, thương hiệu cũng sẽ giúp Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có được nền tảng vững chắc cho những chặng đường cao hơn, xa hơn.
Giá trị khác biệt của doanh nghiệp quân đội
Trong thời điểm, các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 càng làm nhiều càng lỗ, đâu là bí quyết để giúp Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vượt qua các khó khăn lớn như vậy, thưa Thiếu tướng?
Đường bộ cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt với yêu cầu tiến độ và chất lượng rất khắt khe. Vì vậy, để đảm bảo luôn đạt được các yêu cầu tư chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn xác định phải làm chủ được trang thiết bị, con người, tiền vốn.
Thực tế trên tất cả các công trường của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn không bao giờ bị "đứt gãy" thi công do thiếu vật tư, vật liệu. Các dự án từ Bắc vào Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn làm chủ được dây chuyền thi công bê tông nhựa, trạm bê tông xi măng, đây là hai vấn đề chính trong việc thi công đường.
Việc luôn làm chủ được trang thiết bị, con người, tiền vốn cùng với tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm - nét văn hóa riêng có của nhà thầu quân đội là yếu tố "cốt lõi" giúp Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn đáp ứng tiến độ, chất lượng. Thậm chí, ở các thời điểm tiến độ gấp, ưu thế của chúng tôi là có 39 đơn vị đóng quân trên toàn quốcvới lực lượng hùng hậu nên có thể huy động lượng lớn máy móc, thiết bị, con người dốc tổng lực thi công.
Điển hình như đoạn QL45 - Nghi Sơn, thời điểm dỡ tải chỉ còn khoảng 20 ngày là đến hạn chót, tưởng chừng không thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, nhưng chúng tôi đã huy động lập tức hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm nhân công thi công tổng lực, đảm bảo được tiến độ.
Với vai trò là một doanh nghiệp quân đội, ngoài hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn có trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm của một người lính trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giá trị khác biệt của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn so với các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn nhận được sự đồng thuận của bà con tại khu vực dự án đi qua. Bởi, việc làm tốt công tác dân vận là một chính sách quan trọng của quân đội. Từ thực tế cho thấy, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phối hợp với địa phương thực hiện công tác GPMB đạt được hiệu quả tích cực khi người dân tin tưởng uy tín quân đội để giao mặt bằng cho triển khai thi công ngay, kể cả trong trường hợp chưa được nhận đền bù.
Ngoài ra, yếu tố cốt lõi khác làm nên thành công của nhà thầu khi làm đường cao tốc phải là chuyên nghiệp, có năng lực thực sự, kinh nghiệm thực tế và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đều có những điều này.
Ngoài cao tốc Bắc - Nam, một dự án khác được đánh giá rất khó khăn về tiến độ hoàn thành trong năm 2023 là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tại dự án này, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã vượt qua các trở ngại thế nào, thưa Thiếu tướng?
Quá trình triển khai thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các nhà thầu đều gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng chậm bàn giao mặt bằng, thiếu hụt nguồn đá, đất, cát…
Tôi phải nhấn mạnh, ở dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có đặc thù khác biệt so với các tuyến cao tốc ở khu vực vùng miền khác. Nếu nhà thầu nào không làm chủ được nguồn vật tư, vật liệu sẽ gặp khó khăn vô cùng.
Chúng tôi đã thi công nhiều dự án ở nhiều vùng miền nên hiểu rõ việc huy động vật tư, vật liệu có thể tăng lượng xe vận tải bằng đường bộ, nhưng ở khu vực thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nguyên vật liệu được vận chuyển hoàn toàn bằng xuồng, bè, sà lan… nên việc huy động tổng lực thiết bị là rất khó khăn.
Bằng kinh nghiệm thi công nhiều dự án ở khu vực này, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã nắm bắt rõ thực tế trong khu vực, cộng với tiềm lực mạnh của doanh nghiệp, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn dự trữ đủ lượng nguyên vật liệu đáp ứng cho công trường thi công xuyên suốt không bị gián đoạn.
Nhờ kinh nghiệm và năng lực của doanh nghiệp, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sớm hơn kế hoạch vào ngày 22/12/2023 để chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023).
Đảm bảo tiến độ Bắc - Nam giai đoạn 2 nếu đủ mặt bằng, vật liệu
Được biết, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng là một trong số các nhà thầu đảm nhiệm thi công với giá trị hợp đồng lớn nhất toàn tuyến. Xin Thiếu tướng chia sẻ về tình hình thi công của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tại dự án này?
Đúc rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025), Chính phủ, Bộ GTVT, các chủ đầu tư đã chia các gói thầu với quy mô rất lớn nhằm lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực tham gia các dự án thành phần. Cùng với đó, các khâu tổ chức triển khai cũng được thực hiện rất chuyên nghiệp, bài bản.
Tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được chỉ định tham gia thi công các dự án thành phần gồm: Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Theo kế hoạch năm 2023, các nhà thầu phải đảm bảo sản lượng 30%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là chậm GPMB. Đặc biệt là ở các đoạn Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hoài Nhơn - Quy Nhơn nếu đáp ứng mặt bằng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoạn 12 có thể vượt nhiều về sản lượng thi công.
Chỉ tính riêng tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là đơn vị triển khai gói thầu đầu tiên từ ngày 1/1/2023, mặc dù tỉnh Bình Định đã giao đơn vị thi công diện tích GPMB đạt 83% nhưng trong số này mặt bằng có thể tiếp cận thi công chỉ chiếm 64%. Cùng với đó là tình trạng thiếu đất đắp, thiếu đá để sản xuất cấp phối đá dăm khiến các nhà thầu "giảm tốc" triển khai.
Khó khăn khác là nguồn vật liệu cát gặp phải tại 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương cấp cát cho các nhà thầu, nhưng từ ngày 1/1/2023 khởi công đến cuối năm 2023, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mới được cấp 1 mỏ cát, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai thi công.
Tính đến cuối năm 2023, cả công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, bình quân mới thi công đạt sản lượng khoảng từ 15 - 20%. Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công đoạn Bùng - Vạn Ninh đạt 30%, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đạt 22%, đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn đạt 25%; các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau bình quân khoảng 20%.
Phải nói thẳng, các nhà thầu tham gia cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đều là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, chuyên nghiệp thi công cao tốc nên nếu được đảm bảo mặt bằng tốt, vật liệu tốt thì chắc chắn sẽ đảm bảo kế hoạch hoàn thành toàn bộ dự án này vào năm 2025.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!