Trường Đại học Kinh Bắc: Dù bằng thật hay giả… nhưng Chủ tịch Hội đồng trường không dùng để mưu cầu về chính trị

17:08 - 14/07/2023

Phản hồi về bài viết, Trường Đại học Kinh Bắc cho rằng, dù là bằng cấp thật hay giả nhưng ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch Hội đồng trường không lợi dụng để giảng dạy, không dùng để mưu cầu chính trị. Dù trước đó, báo Pháp luật Việt Nam không hề đề cập văn bằng của ông Đoàn Xuân tiếp là thật hay giả (như ngôn ngữ của văn bản).

Phản hồi về bài viết, Trường Đại học Kinh Bắc cho rằng, dù là bằng cấp thật hay giả nhưng ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch Hội đồng trường không lợi dụng để giảng dạy, không dùng để mưu cầu chính trị. Dù trước đó, báo Pháp luật Việt Nam không hề đề cập văn bằng của ông Đoàn Xuân tiếp là thật hay giả (như ngôn ngữ của văn bản).



Trường Đại học Kinh Bắc phản hồi về bài viết

Như Pháp luật Plus - Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin trong bài viết Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc từ chối trả lời về bằng cấp của mình, nhiều lãnh đạo của trường Đại học Kinh Bắc bị tố có dấu hiệu sử dụng bằng cấp chưa phù hợp và chưa được công nhận tại Việt Nam.

Những người bị “tố” gồm có ông Đoàn Xuân Tiếp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc; ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh Bắc và một hiệu phó (đã xin nghỉ trong quá trình thực hiện bài viết).

Sau khi bài viết được đăng tải, ngày 7/7/2023, trường Đại học Kinh Bắc đã có văn bản số 796/CV-ĐHKB về việc phản hồi bài viết trên Báo Pháp luật Việt Nam của Nhà báo Xuân Thái do Hiệu trưởng trường Đại học Kinh Bắc ký.

Văn bản nêu: “Bài viết đăng trên báo với tiêu đề nêu trên là hoàn toàn không chính xác. Bởi ngày 30/6/2023 được sự nhất trí của Đảng ủy, BGH Trường Đại học Kinh Bắc đã tổ chức buổi đối thoại theo yêu cầu của một số tờ Báo, trong đó có yêu cầu của báo Pháp luật Việt Nam! (rất tiếc buổi đối thoại đó nhà báo Xuân Thái vắng mặt, mặc dù đã nhận được lời mời của Trường Đại học Kinh Kinh Bắc)”.

Văn bản phàn hồi của trường Đại học Kinh Bắc gửi tới báo Pháp luật Việt Nam.

Văn bản phàn hồi của trường Đại học Kinh Bắc gửi tới báo Pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 26/6/2023, trường Đại học Kinh Bắc đã sắp xếp buổi làm việc để cung cấp thông tin cho phóng viên báo Pháp luật Việt Nam. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa khẳng định, được Hội đồng trường phân công làm việc và trả lời thông tin báo chí. Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng đã giải đáp và cung cấp thông tin phản ánh về bằng cấp của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.

Khi đề cập đến nội dung tố Chủ tịch Hội đồng trường Đoàn Xuân Tiếp chưa có bằng THPT nhưng lại có bằng tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, Hiệu trưởng lại từ chối trả lời vì đây là thông tin cá nhân của Chủ tịch Hội đồng trường nên không nắm được. Do đó, phóng viên đề nghị trường tiếp tục xác minh, kiểm tra thông tin phản ánh về trường hợp của ông Tiếp đảm bảo được khách quan, đa chiều.

Ngày 29/6/2023, phóng viên nhận được tin nhắn của đại diện trường “trân trọng thông báo” đến phóng viên để “tới dự buổi làm việc vào lúc 9h30 ngày 30/6/2023” (sáng hôm sau). Do không sắp xếp được thời gian nên phóng viên đã phản hồi với trường là không tham dự buổi làm việc.

Ông Đoàn Xuân Tiếp, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc.

Ông Đoàn Xuân Tiếp- Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc (ảnh của trường đại học Kinh Bắc)

 

Trước khi đăng tải bài viết (ngày 4/7/2023), phóng viên cũng đã liên hệ lại với Hiệu trưởng và Phó trưởng phòng Hành chính - tổ chức – quản trị về việc trả lời thông tin liên quan đến phản ánh về ông Đoàn Xuân Tiếp, trong đó yêu cầu cung cấp những thông tin, văn bản liên quan tại buổi làm việc ngày 30/6/2023 để đảm bảo khách quan, nhưng cả hai đều từ chối do hiệu trưởng đang bận và trường đang nghỉ hè.

Tiêu chuẩn của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường được quy định như thế nào

Cũng liên quan đến văn bản phản hồi tới báo Pháp luật Việt Nam, trường Đại học Kinh Bắc khẳng định: “Dù là bằng cấp thật, giả... nhưng ông Đ. X. T. (ông Đoàn Xuân Tiếp - PV) không lợi dụng để giảng dạy trên lớp cho sinh viên (vì không phải là giáo viên), không dùng để mưu cầu chính trị. Đơn giản ông Đ. X. T. chỉ là nhà Doanh nghiệp và sáng lập ra Trường Đại học Kinh Bắc theo quy định của pháp luật.”

Mặc dù trong bài viết đã đăng tải, báo Pháp luật Việt Nam hoàn toàn không nhắc đến chuyện ông Tiếp sử dụng hoặc có bằng giả. Liên quan đến tấm bằng tốt nghiệp Đại học của ông Đoàn Xuân Tiếp, trường Đại học Mỏ - Địa chất đã có công văn về việc xác minh bằng tốt nghiệp. Theo đó trường này khẳng định, ông Đoàn Xuân Tiếp, sinh ngày 19/05/1950 không có thời gian học tập tại trường với các thông tin được ghi trong bằng trên bằng tốt nghiệp đại học. Trường Đại học Mỏ - Địa chất xác nhận những thông tin trên hoàn toàn chính xác.

Được biết, ngày 15/8/2020, ông Đoàn Xuân Tiếp đã ký QĐ số 03/QĐ-HĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Kinh Bắc. Trong đó điểm c) khoản 1 Điều 9 của quy chế quy định tiêu chuẩn thành viên Hội đồng trường yêu cầu: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; trình độ học vấn từ Đại học trở lên.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, một luật sư cho rằng, pháp luật nghiên cấm hành vi sử dụng các công nghệ tiên tiến làm giả giấy chứng nhận, giấy tờ, văn bản có dấu đỏ, in phôi giống hệt với các giấy tờ gốc và bản thật mà các tổ chức, cơ quan, trường học cấp khi một cá nhân đã hoàn thành xong khóa tốt nghiệp hoặc lấy quyết định, kết quả chứng nhận nào đó.

"Về mặt pháp lý, thời điểm ông Đoàn Xuân Tiếp có tên trong bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhưng bằng đó không do trường Đại học Mỏ - Địa chất cấp thì cá nhân ông Tiếp đã hoàn thành hành vi của tội làm giả con dấu, tài liệu được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Nghị định số 138/2013/NĐ-CP, Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Bảng kết quả học tập của ông Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch Hội đồng trường được cho là có nhiều thông tin bất thường.

Bảng kết quả học tập của ông Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch Hội đồng trường được cho là có nhiều thông tin bất thường.

Trở lại vấn đề "dù bằng cấp thật, giả" nhưng ông Đoàn Xuân Tiếp không lợi dụng để mưu cầu chính trị, luật sư cho rằng chính Chủ tịch Hội đồng trường là người ký QĐ ban hành quy chế tổ chức của Trường Đại học Kinh Bắc, trong đó quy định thành viên Hội đồng trường phải có trình độ Đại học trở lên. Chưa kể, ông Tiếp đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh Bắc, nên bằng tốt nghiệp Đại học sẽ được sử dụng trong nhiều trường hợp như kê khai hồ sơ Đảng viên, hồ sơ xét trao tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới, lý lịch khoa học, sơ yếu lý lịch khi học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ..."

Ngoài ra, xét về đạo đức, Chủ tịch Hội đồng một trường Đại học có uy tín, làm công tác đào tạo, hàng năm cấp bằng tốt nghiệp cho gần 1.000 sinh viên nhưng lại không có văn bằng hợp pháp, vậy chất lượng sản phẩm mà họ đào tạo ra sẽ như thế nào? Luật sư lo ngại.

Vậy, quy định của Đảng về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như thế nào? Toàn bộ quá trình học tập của vị Chủ tịch HĐ trường Đại học Kinh Bắc và tấm bằng tốt nghiệp này đã được sử dụng sẽ được báo đề cập trong các bài viết tiếp theo.