Trốn thuế bao nhiêu bị xử lý hình sự

18:04 - 28/10/2022

Tội trốn thuế với mức phạt nặng nhất là 7 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 4tỷ 500 triệu đồng.

Bạn Văn Phương (Đồng Tháp) hỏi: Trốn thuế đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay. Xin hỏi, với cá nhân có hành vi trốn thuế bao nhiêu thì bị xử lý hình sự?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, các hành vi được xem là trốn thuế như sau:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

 

Cũng theo quy định tại Điều 200 Bộ luật này, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế.

Cụ thể: Trốn thuế với số tiền từ 100- dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100- 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1- 3 năm.

Đặc biệt, mức phạt tù sẽ từ 2- 7 năm hoặc bị phạt tiền từ 1 tỷ 500 triệu đồng đến 4 tỷ 500 triệu đồng nếu số tiền trốn thuế của cá nhân đó từ 1 tỷ đồng trở lên.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20- 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về tội trốn thế với mức phạt nặng nhất là 7 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 4tỷ 500 triệu đồng. Vì vậy, các cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật.