Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng, thu lời hơn 1,5 tỷ đồng

14:25 - 29/06/2024

Theo cơ quan công an, từ tháng 6/2023 cho đến khi bị bắt, các đối tượng đã bán hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ giả, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Chiều 27/6, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam với Nguyễn Duy Quang (SN 1989, ở quận Nam Từ Liêm), Trương Bình Nguyên (SN 1997) và Lê Đình An (SN 1997, cùng ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), Lê Đình Tiệp (SN 1997, ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Bùi Văn Bình (SN 1997, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Đình Hoàng (SN 1998, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo Thượng tá Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, đơn vị phát hiện một số đối tượng hoạt động mua bán giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ để phục vụ cho việc nộp hồ sơ xin việc làm tại cơ quan, doanh nghiệp.

Đối tượng Nguyễn Duy Quang bị cơ quan công an bắt. Ảnh: CACC
Đối tượng Nguyễn Duy Quang bị cơ quan công an bắt. Ảnh: CACC

Cơ quan công an tiến hành xác minh, nhận thấy các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, câu kết thành đường dây, sử dụng ứng dụng trên không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.

Vì vậy, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ xác lập chuyên án, tập trung lực lượng đấu tranh, bắt giữ các đối tượng trong đường dây.

Đến ngày 28/5, khi đối tượng Nguyễn Duy Quang đang giao tài liệu cho shipper mang đi cho khách, lực lượng công an đã bắt quả tang.

Đối tượng Quang đã thừa nhận số giấy tờ này được làm giả theo yêu cầu của khách.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Quang, công an thu giữ 2 máy in, 1 máy tính, 1 máy photocopy, 1 máy ép plastic, 11 con dấu giả.

Ngoài ra, công an cũng thu giữ 1.388 phôi bằng tốt nghiệp đại học, kỹ sư, cử nhân, THPT, trung cấp chuyên nghiệp; chứng chỉ sơ cấp nghề, ứng dụng CNTT cơ bản, ngoại ngữ, giấy phép lái xe và 156 bộ văn bằng chứng chỉ giả đã hoàn thiện...

Tại cơ quan công an, Quang cũng khai nhận, tháng 6/2023, đã liên hệ với Trương Bình Nguyên để cùng nhau làm giấy tờ giả, rao bán trên mạng xã hội và chia đôi lợi nhuận kiếm được.

Các đối tượng đã tạo Facebook với nick giả để tìm người có nhu cầu mua văn bằng, chứng chỉ giả.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả và tạo tài khoản online trên hệ thống ngân hàng nhằm thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Các đối tượng Nguyễn Đình Hoàng, Lê Đình An, Bùi Văn Bình, Lê Đình Tiệp đều được Nguyên phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong khi đó, Hoàng có nhiệm vụ tạo các Fanpage, group Facebook rồi dùng Tool đi bình luận trên các diễn đàn, hội nhóm, tăng tương tác mời chào khách có nhu cầu mua bằng cấp, giấy tờ giả.

Khi khách liên hệ qua tin nhắn trên Facebook, Bình và Tiệp nhắn tin và chốt đơn theo giá các bằng cấp, giấy tờ giả, Nguyên và An phụ trách việc hệ thống lại đơn hàng rồi gửi cho Quang.

Đối với những văn bằng chưa có mẫu sẵn, Nguyên và An chủ động lên mạng tìm kiếm các bằng cấp, giấy tờ tương tự rồi lưu thông tin về phục vụ cho việc in, làm giả.

Thời gian sau đó, do số lượng khách tăng nhiều lên, để đảm bảo thông tin chính xác và liên tục, Nguyên và An đảm nhiệm luôn phần soạn thông tin trên phần mềm chuyên dùng để thiết kế, in ấn rồi gửi cho Quang để in lên phôi có sẵn, đóng dấu gửi cho khách.

Quá trình giao dịch, Quang yêu cầu người mua chuyển khoản trước. Nhận đủ tiền, Quang chuyển giấy tờ đến tay khách thông qua các dịch vụ giao hàng.

Mỗi loại giấy tờ có từng mức giá khác nhau. Theo cơ quan công an, từ tháng 6/2023 cho đến khi bị bắt, các đối tượng đã bán hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ giả, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Nguồn: Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng, thu lời hơn 1,5 tỷ đồng (phapluatplus.vn)