Từ ý tưởng “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc” trên mạng xã hội, nhiều người dân đã vẽ cờ Tổ quốc lên cửa, tường nhà để chào mừng Quốc khánh 2/9.
Việc làm này xuất phát từ tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc, song, theo nhiều chuyên gia văn hóa, người dân cần cẩn trọng khi vẽ hình cờ Tổ quốc để đảm bảo sự trang nghiêm của Quốc kỳ.
Từ một trào lưu trên mạng xã hội
Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân vẽ, sơn cờ Tổ quốc trên tường, cửa, mái nhà khắp mọi miền đất nước.
Được biết, trào lưu này bắt nguồn từ Lê Quang Vũ - một TikToker ở Vĩnh Phúc, và trở nên phổ biến từ đầu tháng Tám.
Thấy mái nhà lợp tôn đỏ, Lê Quang Vũ nảy ra ý tưởng vẽ ngôi sao vàng năm cánh lên trên, tạo thành hình lá cờ Tổ quốc có diện tích 150m2. Với sự trợ giúp của một người bạn, Vũ đã hoàn thành tác phẩm này trong một ngày bằng cách đo đạc, tính toán trên máy tính và sử dụng flycam để căn chỉnh góc sao cho hình ảnh ngôi sao ngay ngắn và đẹp nhất.
Sau khi hoàn thành lá cờ, chàng trai 29 tuổi quay video và đăng lên mạng xã hội, bất ngờ thu về 2,8 triệu lượt xem cùng hơn 100.000 lượt yêu thích, bình luận trong thời gian ngắn.
Chia sẻ với báo chí, Vũ nói: "Tôi không nghĩ việc làm của mình lại nhận được sự ủng hộ đông đảo từ mọi người. Mong muốn duy nhất là lan tỏa được tình yêu quê hương đất nước đến với cộng đồng và chứng tỏ lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam là bất diệt."
Một số bạn trẻ khác cũng tạo hình lá cờ trên mái nhà và chia sẻ lên mạng xã hội, hình thành một làn sóng “vẽ cờ Tổ quốc lên mái nhà” lan khắp Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn.
Cần trân trọng lá cờ Tổ quốc
Trào lưu này là cách để giới trẻ và người dân cả nước thể hiện tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng vì người dân có thể sơn cờ sai quy cách, ngôi sao vàng bị vẽ ngược, hay vẽ cờ Tổ quốc ở những nơi không phù hợp. Việc dùng sơn kém chất lượng còn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, qua thời gian, những “lá cờ” này sẽ phai màu, hư hại, làm méo mó hình ảnh Quốc kỳ.
Việc người dân leo trèo lên mái nhà để sơn, vẽ cờ cũng tiềm ẩn rủi ro tai nạn vì các mái tôn trơn trượt, dốc và cao.
Một vấn đề khác khiến nhiều chuyên gia văn hóa lo ngại là người dân đứng, ngồi, nằm lên “lá cờ” để chụp ảnh, khoe thành quả lên mạng xã hội. Điều này bị coi là thiếu tôn trọng Quốc kỳ, ảnh hưởng sự trang nghiêm của biểu tượng quốc gia.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Giáo sư-Tiến sỹ Trình Quang Phú, tác giả nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng xưa nay Quốc kỳ thường để treo, nay người dân sơn, vẽ để thể hiện lòng yêu nước thì đáng hoan nghênh, song phải đảm bảo hình ảnh Quốc kỳ thiêng liêng được đặt ở nơi trang trọng, cao ráo, sạch đẹp.
“Có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, người dân có thể sơn, vẽ cờ nhưng phải chọn vị trí trang trọng, đảm bảo tính tôn nghiêm của Quốc kỳ,” ông Phú nói.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng tình với quan điểm đó, nhấn mạnh rằng Quốc kỳ dùng để treo vào những dịp lễ, kỷ niệm trang trọng và cần phải được treo ở nơi trang trọng.
“Tại nơi tôi sinh sống, Ủy ban Nhân dân phường phát cho mỗi gia đình một lá cờ Tổ quốc để treo vào các dịp kỷ niệm. Tất nhiên, người dân sẽ chọn vị trí xứng đáng nhất, dễ thấy và trang trọng nhất chẳng hạn như ngay trước cửa nhà để treo. Đây là việc làm hay, là truyền thống đẹp,” ông Hùng nói.
Ông Hùng nhấn mạnh rằng treo cờ Tổ quốc phải xuất phát từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, và đã treo thì người dân phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ Quốc kỳ.
“Theo tôi, chúng ta treo cờ vì trách nhiệm công dân chứ đừng vì phong trào. Việc treo cờ nếu làm tốt thì sẽ góp phần tạo nên nhận thức về các sự kiện trọng đại của đất nước, khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ mà chúng ta đang có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng,” ông nói.
Ông Hùng cho rằng không nên sơn cờ Tổ quốc ở vị trí cố định thuộc khu vực gia đình vì Quốc kỳ, Quốc ca thường gắn với một sự kiện, dịp kỷ niệm cụ thể chứ không phải lúc nào cũng đưa ra.
Là một người trẻ, nhạc sỹ Quách Beem cho rằng việc sơn cờ lên cửa, mái, tường nhà là một trào lưu thịnh hành trên mạng xã hội mà “trend” (xu hướng) là cảm xúc có tính ngắn hạn, không đem lại hiệu quả lâu dài. Nhìn lá cờ cỡ lớn được sơn trên mái nhà có thể rất đẹp khi mới hoàn thành nhưng qua thời gian, không chắc rằng người dân có thể giữ nguyên vẹn hình ảnh thiêng liêng của cờ Tổ Quốc.
“Quách Beem cũng như tất cả mọi người, luôn muốn thể hiện lòng yêu nước đúng nhất, tốt nhất. Chúng ta cần đảm bảo sự trân trọng và trang nghiêm đối với lá cờ Tổ quốc, nên thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực, lâu dài hơn,” nhạc sỹ chia sẻ./.
Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng có Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó quy định về hình Quốc kỳ có những điểm cần lưu ý như: Điểm giữa ngôi sao vàng đặt ở điểm giao nhau của hai đường chéo Quốc kỳ; Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ; Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên; Tạo hình ngôi sao: Từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.