Trăn trở khi "trái tim anh hùng biển" lỗi nhịp Ngày Thuyền viên thế giới
09:58 - 26/06/2021
Tạp chí GTVT - Kỷ niệm "Ngày thuyền viên thế giới ”năm nay (25/6) diễn ra trong bối cảnh ngành hàng hải quốc tế bị đình trệ, hàng triệu thuyền viên thất nghiệp vì Covid-19
Ngành Hàng Hải cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid |
Ngày 25/6 Trường Cao đẳng Hàng Hải II (TP.HCM) đã tổ chức buổi toạ đàm nhân Ngày Thuyền viên thế giới nhằm tri ân và tôn vinh những cống hiến của các thuyền viên đang hoạt động trên khắp năm châu. Công việc của người đi biển thật đáng được trân trọng, thuyền viên thật đáng được tôn vinh vì những công lao và đóng góp thầm lặng của họ.
Tuy nhiên trong năm 2021 này, giao thương hàng hải thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng khi con tàu Ever Given bị mắc cạn trên kênh đào Suez. Một kênh đào chiếm khoảng 30% lưu lượng tàu container trên thế giới mỗi ngày. Những hình ảnh tàu hàng chờ đợi tại hồ Great Bitter của Ai Cập kéo dài ròng rã nhiều ngày liền. Hoạt động giao thương đi qua kênh đào Suez hầu như tê liệt với hơn 200 tàu tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190 km này khiến cho thế giới có một cái nhìn tổng quan hơn, và nhận rõ sự quan trọng của tàu biển nói riêng và ngành hàng hải nói chung.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam và từng là Phó cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam chia sẻ: Ngày nay, thế giới với hơn 50.000 tàu thương mại chạy quốc tế, đăng ký tại hơn 150 quốc gia với khoảng 1,6 triệu người đi biển, trong đó Việt Nam có khoảng 1200 tàu vận tải biển chạy trong nước và quốc tế, với hơn 4 vạn thuyền viên. Họ là những con người lao động cần cù, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ... nhưng họ thực sự là những người anh hùng của biển cả!
Chúng ta đều biết rằng, 90% lượng hàng hóa lưu thông trên toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, chỉ một ngày thôi, mạch máu lưu thông này dừng lại, có thể là một thảm họa của Thế giới. Đại dịch COVID-19, như một cơn sóng thần tàn phá trên phạm vi toàn cầu, có thể nói tất cả các phương thức vận chuyển hàng hóa, lưu thông trên Thế giới đến giờ này vẫn đang bị đình trệ.
Chỉ có các anh, những thuyền viên tàu biển, vẫn tiếp tục chấp nhận nguy hiểm, gian khổ để bảo đảm chuỗi lưu thông hàng hóa cả trong và ngoài nước, bảo đảm an sinh và các mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế Quốc gia. Chúng tôi cũng biết và xin chia sẻ với các anh, tại thời điểm này, nhiều thuyền viên, suốt một thời gian rất dài chưa được về thăm gia đình, người thân, thậm chí chưa được đặt chân lên bờ khi tàu đến các cảng biển trên Thế giới, vì COVID-19.
Các thuyền viên làm việc trên tàu |
Cũng chia sẻ về những nỗi niềm này, ông Phạm Văn Chiến đại diện cho công ty Cổ phần Khí và Hoá chất Việt Nam cũng dẫn chứng: Đại dịch Covid 19 đã khiến không ít đơn vị phải lao đao. Chúng tôi với hơn 1.300 thuyền viên đang hoạt động trên các tàu, sau những ngày tháng lênh đênh trên biển những khi trở về đất liền phải gánh thêm những gánh nặng từ chi phí cách ly, xét nghiệm. Và khó khăn hơn nửa khi mỗi địa phương lại áp dụng những quy định khác nhau, thời gian cách ly khác nhau. Ông Chiến dẫn chứng: Trong năm qua, chỉ việc đưa một thuyền trưởng từ nước ngoài về Việt Nam, đơn vị đã phải chi trả hơn 13.000 USD. Đối với việc thay thế thuyền viên, chúng tôi ước tính mỗi người sẽ gánh thêm 70 triệu đồng cho những đợt xét nghiệm, cách ly tập trung.
Thế nên hiện nay, rất nhiều đơn vị đang hoạt động trong ngành hàng hải đều đang mong muốn sớm được nhà nước hỗ trợ vắc xin phòng Covid 19. Bởi đây là tuyến đầu, đi đầu trong lĩnh vực cung ưng tất cả các mặt hàng, nhu yếu phẩm…. cho người dân trong cả nước. Đặc biệt là nới lỏng quy định để cho từng doanh nghiệp tự thuê nơi ở và tự cách ly các thuyền viên để giảm các chi phí về sau.
Ông Trương Thanh Dũng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải II |
Trước những khó khăn trên, Ông Trương Thanh Dũng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Hàng hải II chia sẻ. Hiện nay nhà trường là nơi đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực đáp ứng mọi yêu cầu của ngành hàng hải. Hằng năm nhà trường cũng luôn ký kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng ở nhiều nước khác trên thế giới. Nhà trường luôn ưu tiên việc liên kết với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nơi làm việc cho các sinh viên sau khi ra trường. Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều các ngành học mà nhà trường đã miễn giảm học phí 100% và cơ hội việc làm đều có sẵn nhưng dường như các em học sinh đều không mặn mà với nghề. Ông Dũng cho biết: Có thể áp lực từ những quan niệm cũ, từ gia đình, Tâm lý ngại xa nhà quá lâu, và những phát sinh về sau đã khiến nhiều bạn trẻ đã phải chuyển đổi ngành học. Ông Dũng nhấn mạnh, hiện nay điều kiện làm việc trên các tàu cùng đạt độ an toàn cao hơn so với trên bộ. Cùng với sự phát triển của CNTT nên đã khác xưa rất nhiều, thuyền viên không có những khoảng cách với gia đình, người thân như trước kia. Bên cạnh đó, mức lượng của các thuyền viên và cơ hội thăng tiến khi có thâm niên trong nghề rất cao. Đặc biệt là đời sống vật chất của mỗi gia đình đều được nâng cao rõ rệt.
Để “trái tim” của biển luôn đong đầy những nhịp đập thì việc tạo ra nguồn nhân lực dồi dào là bài toán cần đặt ra trong thời cuộc hiện nay. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, nhà nước sẽ có các cơ chế hỗ trợ cho ngành hàng hải, doanh nghiệp sẽ có những buổi gặp gỡ, ký kết với nhà trường để tạo sự uy tín cho các em học sinh khi theo học. Và nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nửa công tác đào tạo nhân lực, công tác truyền thông đến với các em học sinh trên khắp mọi miền tổ quốc.
http://www.tapchigiaothong.vn/tran-tro-khi-trai-tim-anh-hung-bien-loi-nhip-ngay-thuyen-vien-the-gioi-d91759.html