TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích"

18:04 - 22/09/2023

Việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố theo nguyên tắc đồng thuận được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác.

Ưu tiên mục đích giao thông

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: "Sau khi UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố, Sở GTVT và UBND quận, huyện sẽ rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể. 

Việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo nguyên tắc chung là ưu tiên cho mục đích giao thông. Các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải bảo đảm các nguyên tắc, không gây mất trật tự an toàn giao thông, phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m, phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông, phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông".

Ngoài ra, việc sử dụng tạm thời phải phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, vỉa hè và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. Đặc biệt việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải theo nguyên tắc đồng thuận của người dân được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác, ông Đường nói.

TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích" - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ áp dụng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Theo ông Đường, đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, điểm trông giữ xe có thu tiền, các địa phương có trách nhiệm rà soát các hè phố đủ điều kiện để xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời, từ đó có thể xây dựng phương án thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Sở GTVT sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng lề đường để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng. Người dân hoặc cơ quan chức năng có thể vào phần mềm để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, hè phố được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý (cấp phép, thu phí) các nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng lòng đường, hè phố...

Việc thu phí phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế, nhân sự thực hiện công tác này. Việc thu phí được thực hiện đồng thời với việc cơ quan chức năng xem xét chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng. Phương thức thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.

Về tổ chức kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý, Sở GTVT và UBND quận, huyện sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra xây dựng, Đội quản lý trật tự đô thị và UBND xã, phường xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm bảo đảm việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả.

TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích" - Ảnh 2.

Việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải đảm bảo nguyên tắc chung là ưu tiên cho mục đích giao thông.

Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia đô thị cho rằng, việc thu phí cần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân với chính quyền, chia sẻ lợi ích kinh tế, xã hội. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về lợi ích của việc triển khai thu phí. Vai trò, trách nhiệm của lực lượng thu phí rất quan trọng. Do đó, cần có các quy định, chế tài đối với lực lượng thu phí để ngăn chặn hành vi thu phí không đúng quy định, làm trái quy định, vượt thẩm quyền cho phép.

Người dân mong muốn gì?

Sau khi HĐND TP.HCM khóa X thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, có hiệu lực từ đầu năm 2024, người dân và các hộ kinh doanh mong muốn thành phố sớm triển khai áp dụng để ổn định nề nếp, trật tự đô thị.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên hiện nay, trên một số tuyến đường khu vực trung tâm TP.HCM như: Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành, Trường Chinh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh… vỉa hè, lòng đường đều bị các hộ dân, hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm, thậm chí nhiều đoạn không còn không gian vỉa hè cho người đi bộ, đẩy họ xuống lòng đường để đi, gây mất an toàn giao thông.

Là tuyến đường có vỉa hè rộng, lưu lượng phương tiện qua lại đông thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán nên anh Nguyễn Văn Nam (hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Paster, quận 1) mong muốn: "Dọc tuyến đường tập hợp đủ các các loại hình kinh doanh như dịch vụ ăn uống, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, thời trang… Tuy nhiên, một số đoạn bị lấn chiếm hết vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Mặc dù lực lượng trật tư đô thị cũng thường xuyên kiểm tra, xử phạt các hộ kinh doanh lấn chiếm. Do đó, việc Thành phố thu phí vỉa hè vừa giúp chúng tôi yên tâm kinh doanh, vừa góp phần xây dựng nề nếp, trật tự hè phố".

Cùng quan điểm, chị Trần Thị Mai (đường Nguyễn Huệ, quận 1) chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi Thành phố triển khai thu phí lòng đường, hè phố. Do đặc điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống nên việc lấn chiếm vỉa hè là không thể tránh khỏi. Vậy nên thường xuyên bị lực lượng chức năng nhắc nhở và xử phạt. Nhiều lúc khi thấy lực lượng trật tự đô thị tới, vợ chồng chúng tôi cùng nhân viên lại vội vàng thu dọn lại bàn ghế, làm kiểu đối phó như vậy rất mệt. Do đó, tôi nghĩ các hộ kinh doanh, buôn bán sẵn sàng đóng phí để yên tâm kinh doanh".

TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích" - Ảnh 3.

Người dân mong muốn Thành phố sớm áp dụng thu phí vỉa hè để yên tâm kinh doanh và góp phần xây dựng nề nếp, trật tự hè phố.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM cho biết: "Lòng đường, hè phố phục vụ cho giao thông là chính, vì thế khi triển khai thực hiện việc thu phí lòng đường, hè phố phải đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, đối với vỉa hè phải ưu tiên đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi bộ của người dân. Việc thu phí này, sẽ được lấy ý kiến và được sự đồng thuận của người dân trước khi thực hiện. Đồng thời, quận, phường sẽ công khai minh bạch bằng cách niêm yết tất cả các thông tin về tuyến đường nào tổ chức thu phí, mức giá".

TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích" - Ảnh 4.

Bảng chi tiết mức thu phí sử dụng vỉa hè tại TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM việc thu phí nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Đồng thời công khai, minh bạch trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí, góp phần đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, cũng như khai thác hiệu quả và có thêm kinh phí để bảo trì lòng đường, hè phố.

Hiện nay TP.HCM có gần 4.900 đường rộng từ 5m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị.

Nguồn: TP.HCM: Thu phí vỉa hè, lòng đường "tránh xung đột lợi ích" | Tạp chí Giao thông vận tải (tapchigiaothong.vn)