TP.HCM: Ra mat phan mem quan ly va dieu phoi hien ghep tang hinh anh 1Hai bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy hồi phục sau ghép. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 23/6, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Thống Nhất công bố hoàn thiện và ra mắt hệ thống phần mềm quản lý, điều phối hiến, ghép tạng.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ khó khăn nhất của việc hiến, ghép tạng từ trước đến nay là làm sao đảm bảo được tính minh bạch, khách quan cũng như tạo được niềm tin của người dân.

Trước đây, những người làm công tác điều phối ghép tạng thường xuyên nhận được những câu hỏi từ thân nhân người hiến như Làm sao biết được tạng của người thân không bị bệnh viện bán? Làm sao chắc chắn tạng của người thân được ghép cho người cần? Do đó, một trong những trách nhiệm của những người làm công tác điều phối ghép tạng là gia tăng được sự đồng thuận hiến tạng nhân đạo cứu người, gia tăng được nguồn tạng hiến tặng, quản lý về mặt khoa học và tuyển chọn, điều phối sao cho minh bạch, công bằng.

Trước nhiệm vụ đặt ra, từ năm 2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện Đề án mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép tạng nhân đạo. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối tạng hiến.

Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối hiến mô tạng, các bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết mục tiêu chính của phần mềm là minh bạch hoàn toàn việc tiếp nhận, tuyển chọn, điều phối ghép tạng.

[Bộ Y tế: 23 bệnh viện đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng]

Khi thông tin của người hiến tạng và người chờ nhận tạng khi cập nhật lên phần mềm đều được mã hóa nhằm đảm bảo tính bảo mật. Các thông số chuyên môn được hệ thống chi tiết, chấm điểm theo từng hạng mục.

Dựa trên thang điểm về độ thuận hợp, tương thích (các xét nghiệm); thời gian chờ đợi ghép, độ tuổi, khoảng cách địa lý, tình trạng bệnh lý… phần mềm sẽ tự động chọn ra người nhận tạng phù hợp nhất với người hiến. “Phần mềm sẽ đảm bảo việc lựa chọn người ghép một chính xác, khách quan mà chúng tôi không thể tác động được; do đó, sẽ không có sự ưu tiên hay gian dối trong việc điều phối, lựa chọn người được ghép tạng," Tiến sỹ Dư Thị Ngọc Thu khẳng định.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, từ trước đến nay, việc ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều là từ người cho sống cùng huyết thống; do đó chưa đặt ra các bài toán về tính minh bạch, khách quan như tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, số lượng trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, trẻ suy thận chờ ghép đang ngày càng tăng lên. Trong thời gian tới, việc huy động nguồn tạng từ người chết não, tim ngừng đập là vô cùng cần thiết.

“Việc áp dụng phần mềm minh bạch, công khai như thế này sẽ dễ tạo nên sự đồng thuận từ thân nhân của người chết não. Điều này sẽ giúp nguồn tạng hiến dồi dào hơn, từ đó mang thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi,” Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch phát biểu.

Trước mắt, hệ thống mới chỉ tiếp nhận thông tin những người đăng ký ghép tạng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xin phép Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia mở rộng quy mô trên toàn quốc, góp phần giúp cho việc hiến và nhận tạng trở nên công khai, minh bạch, hạn chế được tình trạng buôn bán tạng trái phép./.

Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)