TP.HCM: Bao ton va phat huy di san van hoa thong qua bao tang hinh anh 1Hiện vật bìnhtoong của nhân vật số hóa 3D tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Như đề cập trong bài ''Lưu giữ các giá trị di sản ở các bảo tàng'' của chùm bài "TP.HCM: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thông qua bảo tàng" có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Làm mới không gian

Đa số các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đều sở hữu số hiện vật, cổ vật đa dạng nhưng vẫn chỉ là điểm dừng chân, tham quan của một số du khách nước ngoài, khách trong nước không mấy mặn mà và chưa có thói quen chủ động tới tham quan.

Điển hình như Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 40.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, do không gian trưng bày quá chật hẹp (khoảng 6.000m²) nên nhiều hiện vật quý không có nơi trưng bày, giới thiệu.

Trong bối cảnh khó khăn đó, để quảng bá và thu hút khách, ứng dụng công nghệ đang là giải pháp mà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn. Triển khai thử nghiệm từ tháng 6/2021, dự án “Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360” có mục đích phục vụ khách tham quan từ xa. Từ tháng 10/2022, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu đưa vào thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn khách tham quan với các tính năng ban đầu như trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật, các phòng trưng bày…

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động như triển lãm lưu động tại trường học, tổ chức giờ học Lịch sử tại bảo tàng. Do đó, việc đưa robot thông minh vào giới thiệu các nội dung tại Bảo tàng nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và làm phong phú thêm các hình thức sử dụng di sản trong dạy và học, tạo sự hấp dẫn, thích thú cho các em học sinh. Trong tương lai, sau khi hoàn thiện robot, Bảo tàng mong muốn sẽ đưa robot đến các trường học để giúp học sinh tiếp cận di sản văn hóa-lịch sử bằng một hình thức mới hiệu quả, sinh động và hứng thú hơn.

 

[Các bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ để thu hút khách]

Là đơn vị đang thử nghiệm dự án Robot Sanbot tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Thanh Thảo, Quản lý dự án công nghệ Bảo tàng-Phòng truyền thống, Công ty Truyền thông Tùng Việt chia sẻ công nghệ Sanbot có thể dễ dàng lập trình để gia tăng sự hài lòng, sự trải nghiệm cho khách tham quan. Do đó, công ty cần sự phối hợp của bảo tàng vì khi nội dung càng đa dạng và phong phú thì càng có thể thiết kế thêm nhiều chương trình khác nhau. Công nghệ và nội dung đưa vào phải hài hòa thì mới tạo ra nhiều chương trình hấp dẫn.

Được xem như sự kết nối giữa truyền thống-hiện đại, Phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ kể những câu chuyện về hiện vật, bài học lịch sử sinh động hơn thông qua các trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ. Đặc biệt, với sự xuất hiện của các máy Hologram trong không gian trưng bày, hình ảnh qua các máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR), khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Trong thời gian đầu ra mắt, máy Hologram tích hợp thông tin, hình ảnh của khoảng 115 hiện vật tiêu biểu của bảo tàng.

Chia sẻ về không gian trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ Nguyễn Thị Hiển Linh cho hay quan điểm về bảo tàng trong xã hội hiện đại đã khác, không chỉ là trưng bày những gì bảo tàng có được mà phải lắng nghe điều khách tham quan muốn. Theo đó, những ứng dụng công nghệ trưng bày sẽ giúp tương tác với khách tham quan nhiều hơn, đặc biệt với những công nghệ nghe nhìn hiện đại có thể thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người vốn nhanh nhạy với công nghệ mới.

Tích cực chuyển đổi số

Không còn là những trang thông tin đầy chữ, khó có thể ghi nhớ, không cần phải đăng ký trước hay đi theo đoàn dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, giờ đây, khách tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có thể tự do chiêm ngưỡng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu bằng 1 chiếc điện thoại thông minh có kết nối với mạng internet chỉ với thao tác quét mã QR code.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn gây tò mò và để lại ấn tượng với nhiều du khách khi xây dựng một container đặt ngoài trời tái hiện không gian giam giữ những người Việt Nam yêu nước trong thời kỳ chiến tranh. Bên trong container, hình ảnh, hiện vật về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được thể hiện thông qua các màn hình cảm ứng hiện đại để du khách có thể truy cập và tìm hiểu sâu hơn thông tin trưng bày.

TP.HCM: Bao ton va phat huy di san van hoa thong qua bao tang hinh anh 2Nhóm hiện vật gia dụng như móc thắt lưng, ngọc bội được làm từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa được trưng bày tạiBảo tàng Lịch sử TP.HCM. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Lướt màn hình để đọc các thông tin chi tiết, em Phan Thiên Thư (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ em có cảm nhận như đây là một kho tư liệu thu nhỏ. Thư cho rằng mô hình này sẽ rất tiện lợi đối với sinh viên ngành bảo tàng, hay học sinh tới tham quan, làm bài thu hoạch ngoại khóa bởi chỉ cần thao tác lướt chạm sẽ thu thập được rất nhiều tư liệu lịch sử.

Phó Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh Châu Phước Hiệp chia sẻ, các công nghệ mà bảo tàng áp dụng chưa phải là hiện đại nhất, nhưng phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Để việc số hóa thuận lợi, đòi hỏi nguồn tư liệu thực tế phải phong phú, từ đó đưa vào số hóa mới có thể đa dạng nội dung. Ứng dụng công nghệ là hướng đi không thể khác và là cách để gỡ thế khó cho bảo tàng hiện nay, tuy nhiên để mang lại hiệu quả thật sự, trước hết sự phong phú của tư liệu để đưa vào số hóa là điều then chốt.

Về vấn đề này theo ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng công nghệ, tiến hành chuyển đổi số cho bảo tàng không chỉ đơn thuần là công nghệ mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung. Ông Tuấn cho rằng công nghệ giống như phần “xương” (kỹ thuật) mà bảo tàng phải đắp vào đó phần “thịt” (cơ sở dữ liệu, hình ảnh, hiện vật…) để có thể tạo nên một hình hài hoàn chỉnh.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Riêng đối với lĩnh vực bảo tàng, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến với công chúng.

“Tuy nhiên, nếu nghĩ chuyển đổi số chỉ là đưa mọi thứ lên không gian trực tuyến hay áp dụng các công nghệ tiên tiến thì chưa đủ, mà phải làm sao cho nội dung kết hợp cùng công nghệ, đưa ra những chương trình phù hợp với tính chất của bảo tàng và thu hút, hấp dẫn khách tham quan. Do đó, ở mỗi bảo tàng, ngoài việc ứng dụng công nghệ, các đơn vị nên cố gắng đảm bảo chất lượng nội dung đặc thù,” bà Lê Tú Cẩm nhấn mạnh.

Dù vẫn còn tồn tại những khó khăn do nội tại hoặc đến từ điều kiện khách quan, nhưng các bảo tàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang có những bước chuyển mình nhất định. Nhờ những thay đổi đó mà trong thời gian tới, hoạt động bảo tàng sẽ ngày càng sôi động, phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của nhân dân, góp phần vào sứ mệnh bảo tồn di sản của dân tộc./.

Bài 1: Lưu giữ các giá trị di sản ở các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)