Ngày 22/9, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thị trường lao động quý 3 năm nay sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước đó, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 2,61%.
Qua khảo sát hơn 19.400 lượt doanh nghiệp, hơn 71.700 chỗ làm việc cho thấy nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ với gần 53.000 chỗ làm việc chiếm 73,66% (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023); khu vực công nghiệp-xây dựng với hơn 18.000 chỗ làm việc chiếm 25,16% (giảm 1,87%), khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 847 chỗ làm việc chiếm 1,18% (tăng 5,95%).
Phân tích theo ngành kinh tế, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu gần 60.000 chỗ làm việc (chiếm 83,36% tổng nhu cầu nhân lực, tăng 3,5% so với quý 3 năm ngoái).
Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần hơn 13.100 chỗ làm việc, chiếm 18,31% tổng nhu cầu (tăng 12,24% so với quý 3 năm ngoái). Cụ thể, cơ khí cần 4.615 chỗ làm việc, chiếm 6,43% tổng nhu cầu nhân lực; điện tử-công nghệ thông tin cần 3.395 chỗ làm việc, chiếm 4,73%; hóa dược-cao su cần 2.742 chỗ làm việc, chiếm 3,82%; chế biến tinh lương thực thực phẩm cần 2.390 chỗ làm việc, chiếm 3,33%.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 46.690 chỗ làm việc, chiếm 65,05% tổng nhu cầu nhân lực (tăng 1,28% so với quý 3 năm ngoái). Cụ thể, thương mại cần hơn 17.700 chỗ làm việc, chiếm 24,75%; vận tải kho bãi cần hơn 3.200 chỗ làm việc, chiếm 4,58%; du lịch cần hơn 2.000 chỗ làm việc, chiếm 2,89%; bưu chính-viễn thông và công nghệ thông tin truyền thông cần khoảng 4.100 chỗ làm việc, chiếm 5,71%; tài chính-tín dụng-ngân hàng-bảo hiểm cần 4.600 chỗ làm việc, chiếm 6,51%; hoạt động kinh doanh bất động sản cần 5.800 chỗ làm việc, chiếm 8,16%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học-công nghệ cần 6.500 chỗ làm việc, chiếm 9,13%; giáo dục và đào tạo cần 1.800 chỗ làm việc, chiếm 2,52%; y tế cần 574 chỗ làm việc, chiếm 0,8% tổng nhu cầu nhân lực.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác cần hơn 17.700 chỗ làm việc (chiếm 24,75% tổng nhu cầu nhân lực, tăng 3,99% so với quý 3 năm 2023); công nghiệp chế biến chế tạo cần gần 15.500 chỗ làm việc (chiếm 21,59%, tăng 0,84% so với quý 3 năm ngoái).
Các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ cần hơn 6.500 chỗ làm việc, hoạt động kinh doanh bất động sản cần 5.857 chỗ làm việc, hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 5.563 chỗ làm việc, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần hơn 4.600 chỗ làm việc, thông tin và truyền thông cần hơn 4.000 chỗ làm việc, các ngành khác cần hơn 4.000 chỗ làm việc...
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới dù phục hồi nhưng còn phải đương đầu với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng tích cực, cụ thể bởi Chính phủ đã ban hành những giải pháp đẩy mạnh cải cách, thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, hội nhập quốc tế tác động tới kinh tế thế giới, khu vực cũng như Việt Nam đã đem lại tác động hết sức tích cực cho kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
"Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra nhiều giải pháp linh hoạt thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo chiều hướng tích cực. Điều đó đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần làm cho thị trường lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ ấm dần mà còn sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2024...," bà Nguyễn Hoàng Hiếu chia sẻ./.