Tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trên đà phục hồi tích cực. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công chậm tiếp tục dẫn đầu những vẫn đề còn hạn chế ở thành phố khi tỷ lệ giải ngân tính đến cuối tháng Tám mới đạt 18,1% kế hoạch đề ra.
Nhận định này được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại phiên họp thường kỳ về kinh tế-xã hội tháng 8/2024, tổ chức ngày 4/9.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2024, giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố mới đạt 14.381 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 18,1% kế hoạch đề ra. Mặc dù giải ngân tăng 5% so với con số thực hiện ở cùng kỳ năm ngoái nhưng nhiệm vụ giải ngân đầu tư công ở các dự án lớn đều không đạt kế hoạch so với mong muốn.
“Để hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công, từ nay đến cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh phải giải ngân 60.000 tỷ đồng vốn, tương ứng 15.000 tỷ đồng/tháng. Đây là mức giải ngân lớn và là một nhiệm vụ rất khó khăn,” ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Tại cuộc họp ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công trong năm nay, thành phố đã lên kế hoạch và đề ra mục tiêu cho từng tháng. Mục tiêu cuối tháng Tám phải đạt 20% nhưng đến nay mới được 18,1%.
Trước đó, đầu tháng Tám, Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát và có cam kết giải ngân của từng chủ đầu tư, nhất là 4 Ban quản lý hạ tầng giao thông. Trong số đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết giải ngân 590 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 86 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ đồng nhưng hiện chỉ giải ngân hơn 31 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết giải ngân 153 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 60 tỷ đồng; Ban Quản lý Đường sắt đô thị cam kết giải ngân 119 tỷ đồng nhưng cũng mới giải ngân 32 tỷ đồng.
Như vậy, tổng giải ngân của các ban quản lý lớn trên địa bàn từ đầu năm đến nay chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân của Thành phố Hồ Chí Minh là 18,1%. Trong khi đó, 4 ban này chiếm cơ bản vốn của thành phố. Hiện các địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 34%, đang “gánh” kết quả giải ngân cho thành phố.
Với tình hình giải ngân chậm như hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị trên phối hợp cùng thành phố Thủ Đức kiểm điểm lại từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hằng tháng sao cho đến cuối năm tỷ lệ giải ngân phải đạt 95% trở lên. Đơn vị nào quá khó khăn thì cũng phải giải ngân ở mức 90%.
Dù tỷ lệ giải ngân hiện vẫn còn ở mức thấp, tuy nhiên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Ban vẫn giữ mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công hơn 95% trong năm nay.
Theo ông Lương Minh Phúc, trong năm 2024, Ban này được giao 12.380 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 2.450 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân gần 20%. Như vậy, từ nay đến 15/1/2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phải giải ngân 9.930 tỷ đồng.
Trong số đó, có 2.000 tỷ đồng là vốn giải phóng mặt bằng ở các địa phương, dự kiến tập trung giải ngân vào quý 3-4/2024; 700 tỷ đồng giải ngân khởi công mới cũng rơi vào quý 4 và khoảng 300 tỷ đồng là vốn ODA, giải quyết vướng mắc với các nhà thầu. Đặc biệt, có khoảng 6.500 tỷ đồng phục vụ các gói thầu xây lắp, riêng dự án Vành đai 3 là khoảng 3.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo mục tiêu này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy nhanh khối lượng xây lắp các dự án đang triển khai, đặc biệt là dự án đường Vành đai 3.
Trong tuần này, bắt đầu có cát ở khu vực miền Tây đưa về thi công và đơn vị này sẽ tập trung đẩy nhanh khối lượng thi công 5 gói thầu ở phía Đông; tiếp tục thực hiện “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ. Đơn vị cũng cam kết giữ đúng mốc sẽ hoàn thành 15 gói thầu, dự án từ nay cuối năm.
Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, nếu để kéo dài sẽ không kịp thời gian thi công, chẳng hạn ở khu vực đường Nguyễn Thúc Hoàn (Tân Bình); Quốc lộ 50 (Bình Chánh)…/.