TP. HCM thu phí vỉa hè: Hộ kinh doanh vui mừng, người đi bộ an toàn
14:54 - 31/05/2024
Từ khi TP. HCM triển khai thí điểm thu phí vỉa hè, các tuyến đường ở Quận 1 đã thông thoáng hơn, người dân, du khách thoải mái vì đã có lối đi bộ dành riêng.
Dự kiến thu gần 800 triệu đồng
Sau 3 tuần triển khai thí điểm thu phí vỉa hè một số tuyến đường ở Quận 1, TP. HCM, ngày 30/5, PV Tạp chí GTVT ghi nhận các tuyến vỉa hè này trở nên thông thoáng hơn hẳn, các hoạt động kinh doanh bài trí hàng hóa, bàn ghế trên vỉa hè đã trật tự, ngăn nắp, có lối đi cho người đi bộ. Do đó, người dân và du khách có thể thoải mái di chuyển mà không còn cảnh các quầy hàng rong hay xe cộ đỗ tràn lan buộc họ phải đi xuống lòng đường gây nguy hiểm.
Đại diện Phòng Quản lý Đô thị Quận 1 cho biết, theo thống kê, sau gần 3 tuần thí điểm cho người dân thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, đến nay đã có 193 hộ đăng ký thuê với tổng mức phí dự kiến là hơn 770 triệu đồng. Trong số này, Quận 1 đã thu gần 250 triệu đồng, số tiền còn lại là khoản tạm tính dựa trên diện tích các hộ đã đăng ký, sau khi chấp thuận mới thu phí.
Cụ thể, phường Bến Thành có số lượng đăng ký thuê một phần vỉa hè nhiều nhất với 129 hộ thuê, kế đó là phường Đa Kao với 15 hộ thuê, phường Cầu Ông Lãnh 12 hộ... Hiện đường Lê Thánh Tôn dẫn đầu với 71 hộ đã đăng ký thuê vỉa hè, đường Phan Bội Châu có 34 hộ, đường Phan Chu Trinh có 23 hộ, đường Trần Hưng Đạo có 21 hộ...
Theo đại diện Phòng Quản lý Đô thị Quận 1, quá trình triển khai thí điểm đang được người dân ủng hộ do việc đóng phí được thực hiện theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố qua phần mềm thuận tiện, minh bạch nên người dân được chủ động hơn trong việc bố trí bàn ghế, mô hình, phương án kinh doanh trên hè phố.
Người dân yên tâm kinh doanh
Làm nghề trông coi, giữ xe trên đường Phan Chu Trinh (khu vực Chợ Bến Thành) đã 25 năm nay, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: "Giờ đây tôi cảm thấy rất an tâm, thoải mái giữ xe cho khách, không còn lo sợ vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ giữ xe khách đã hợp pháp sử dụng phần đường. Lòng hè phố thông thoáng, người đi bộ thuận tiện, đặc biệt là khách du lịch có cái nhìn thiện cảm hơn khi đến nơi đây. Tôi rất ủng hộ với đề án thu phí vỉa hè này".
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hoa (56 tuổi) kinh doanh tạp hóa trên đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé chia sẻ: "Gia đình tôi đã đăng ký thuê khoảng 13 m2 vỉa hè, bao gồm chiều ngang 6,5 m và chiều rộng 2 m để hợp pháp việc bày bán hàng hóa. Sau khi thuê vỉa hè thì mình có thể bày bán hàng ngay ngắn theo mức được quy định. Còn nếu mình không thuê mà để hàng hóa tràn lan trên vỉa hè thì sẽ bị lực lượng chức năng tuần tra xử lý, phải chạy lui chạy tới để canh chừng. Do đó, tôi hoan nghênh việc thuê vỉa hè để yên tâm buôn bán, bày trí hàng hóa trật tự, đảm bảo mỹ quan đô thị dù phải tốn thêm một phần chi phí".
Tại các quán ăn, quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn (con đường có nhiều hộ đăng ký sử dụng một phần hè phố đông nhất hiện tại), người dân và du khách thoải mái ngồi ở vỉa hè trò chuyện. Bàn ghế được kê ngăn nắp phía bên trong vạch kẻ phạm vi sử dụng.
Theo ghi nhận, phần lề vỉa hè sát đường được bố trí làm nơi để xe máy, phần còn lại bên trong vạch kẻ được các nhà hàng, quán ăn bày trí bàn ghế để buôn bán. Anh Nam (quản lý quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn) vui mừng cho biết: "Sau khi được hợp thức hóa sử dụng vỉa hè, việc kinh doanh của quán đã trở nên thuận tiện hơn. Tại quán của tôi, nhiều người dân và du khách rất thích được ngồi thưởng thức ly cà phê bên vỉa hè bởi không gian thoáng mát. Từ khi đăng ký sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, công việc của quán tôi trở nên thuận lợi hơn, không còn lo lắng bởi những quy định trước đây".
Ghi nhận tại đường Hải Triều, các bãi giữ xe, quán ăn cũng được sắp xếp ngăn nắp, trật tự. Bà Thu Hồng, chủ quán phở Hà đường Hải Triều (phường Bến Nghé) cho biết gia đình thuê 8 m2 vỉa hè với giá 800.000 đồng/tháng và đã thanh toán theo quý. "Từ khi thuê vỉa hè gia đình tôi rất an tâm để kinh doanh. Bàn ghế kê ở vỉa hè hấp dẫn khách hơn so với kê trong nhà. Bây giờ mình được sử dụng vỉa hè và không còn cảnh phải dọn vào dọn ra khi có lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra nữa", bà Hồng phấn chấn.
Hiện mức phí được TP. HCM áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô.
Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng.
Được biết, việc đăng ký sử dụng vỉa hè đang áp dụng đối với những chủ hộ chính thức của căn nhà hoặc người đã đăng ký thuê nhà. Đối với những người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, khi muốn sử dụng vỉa hè phải được chủ hộ căn nhà đứng ra thuê nhằm thuận lợi trong công tác quản lý cũng như đảm bảo quyền lợi của chủ nhà.
11 tuyến đường đang áp dụng thu phí vỉa hè ở Quận 1 gồm: Đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (phường Bến Thành); đường Hoàng Sa (phường Tân Định); đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao); đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé); đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình); đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho); đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh); đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Nhiều quận, huyện chưa mặn mà với thu phí vỉa hè
Ngày 29/5, Sở GTVT TP. HCM có văn bản thúc tiến độ triển khai danh mục đề xuất sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đối với các địa phương như: TP. Thủ Đức, Quận 5, Quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp…
Theo Sở GTVT TP. HCM, đơn vị này đã hai lần có công văn đề nghị các đơn vị có ý kiến cho danh mục đề xuất sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông.
Nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa có ý kiến góp ý (phù hợp, không phù hợp, lý do không phối hợp đề xuất...), đó là: Quận 3, Quận 7, Quận 10, Quận 12, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và TP. Thủ Đức. Do đó, Sở GTVT TP. HCM đề nghị các địa phương này sớm có ý kiến để sở xem xét, tổng hợp. Trường hợp các đơn vị không phối hợp thì phải chịu trách nhiệm giải trình trước UBND TP. HCM.
Cũng theo Sở GTVT Thành phố, đơn vị đã ban hành 8 quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (theo Nghị định số 33/2019/NĐ-CP) cho UBND các quận, huyện gồm: Quận 11, Quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, quận Tân Bình, quận Tân Phú và huyện Hóc Môn.
Tiến độ rà soát, đề xuất giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của UBND các quận, huyện còn lại tương đối chậm, mặc dù Sở GTVT đã có nhiều công văn nhắc nhở về nội dung này.
Do đó, Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện căn cứ theo hiện trạng hạ tầng đang được phân cấp quản lý để ban hành danh mục các vị trí tuyến đường và triển khai thu phí, quản lý theo quy định; tránh kéo dài thời gian chờ ban hành quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trước đó, Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đến nay, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức thu phí sử dụng theo ý kiến của Ban ATGT và Sở GTVT TP. HCM...
Nguồn: TP. HCM thu phí vỉa hè, thu phí vỉa hè như thế nào (tapchigiaothong.vn)