Tong muc ban le hang hoa, doanh thu dich vu tieu dung tang gan 14% hinh anh 1Khách du lịch Trung Quốc tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết tính chung quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 119,8%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 ước đạt 501.300 tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%).

Nếu so với quý 1/2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2023 tăng 26,7%.

Tổng cục Thống kê cho biết doanh thu bán lẻ hàng hóa quý 1 ước đạt 1.187,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%); trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 12,3%; phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 4,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,9%. Riêng nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 2,7%.

 

Tại một số địa phương như Đà Nẵng, doanh thu bán lẻ quý 1 so với cùng kỳ năm trước tăng 17,6%; Hải Phòng tăng 14%; Đồng Nai tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 12,5%; Hà Nội tăng 12,2%; Bình Dương tăng 10,8%; Long An và Thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 9,1%, Đồng Tháp tăng 7,1%; Tiền Giang tăng 5,6%; Khánh Hòa tăng 2,8%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý 1/2023 ước đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương như Đà Nẵng tăng 73,5%, Quảng Ninh tăng 43,1%; Cần Thơ tăng 42,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 37,2%; Hà Nội tăng 12,5%...

Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành quý 1 ước đạt 6.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

[Kinh tế của Việt Nam trong quý 1 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn]

Trong tháng 3/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 895.400 lượt người, giảm 4% so với tháng trước và gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2.699,5 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Nhằm ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, thời gian gần đây, mua sắm trực tuyến gia tăng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, theo ông Trần Hữu Linh, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Đặc biệt, lực lượng sẽ phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cùng với đó, lực lượng còn chủ động kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD). Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.

Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm lực lượng cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải nắm tình hình, dự báo, đánh giá biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)