Ngày 6/12, tại Tây Ninh, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, đấu tranh phòng chống tội phạm và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa đơn vị với Tòa án sơ thẩm 3 tỉnh Tboung Khmum, Prey Veng và Svay Rieng của Campuchia.
Đây là dịp để trao đổi kinh nghiệm trong xét xử, đấu tranh phòng chống tội phạm. Cán bộ, công chức của tòa án các bên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường sự hiểu biết, phát huy tình hữu nghị, góp phần giữ vững mối quan hệ mật thiết, truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Văn Ngầu cho biết, trong năm 2024, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh đã thụ lý và đưa ra xét xử 2 bị cáo là công dân Campuchia phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017); xét xử vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với 38 bị cáo là công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia làm việc cho các công ty trá hình, do đối tượng là người Trung Quốc (không rõ nhân thân, lai lịch) làm chủ tại tỉnh Svay Rieng.
Các đối tượng Trung Quốc đã chỉ đạo các bị cáo là người Việt Nam sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt trên 5 tỷ đồng của 19 bị hại. Đồng thời giải quyết 5 vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Campuchia...
Ông Heng Kesaror, Phó Chánh án Tòa án sơ thẩm tỉnh Svay Rieng chia sẻ, trong năm 2024 có 79 vụ án hình sự (với 246 bị cáo) đã đưa ra xét xử có liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở tỉnh Svay Rieng. Trong đó, có các tội danh: Tàng trữ mua bán sử dụng trái phép chất gây nghiện (47 vụ, với 142 bị cáo); giam giữ người bất hợp pháp (11 vụ với 42 bị cáo); trộm cắp, cố ý gây thương tích, tàng trữ vũ khí trái phép, tội phạm giết người (21 vụ với 62 bị cáo). Tòa án tỉnh đã xét xử xong 48 vụ án với 171 bị cáo, án tồn đang theo dõi là 31 vụ với 75 bị cáo.
Ông Hang Sitha, Chánh án Tòa án sơ thẩm tỉnh Prey Veng thông tin, trong năm 2024 có 20 vụ án xảy ra ở địa phương có liên quan với công dân Việt Nam, chủ yếu ở là hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; cố ý gây thương tích; trộm cắp tài sản; khai thác đánh bắt cá trái phép…
Khó khăn nhất khi xét xử các bị can người Việt Nam ở tỉnh hiện nay là bất đồng ngôn ngữ, không có người phiên dịch chính thức trong quá trình xét xử. Cùng với đó là thiếu luật sư thông thạo song ngữ Việt-Khmer để hỗ trợ tư pháp cho các bị can.
Một số vụ án khác, các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đang lưu trú ở Việt Nam nên khó khăn trong việc liên hệ, xác minh, làm rõ về nhân chứng và vật chứng... Vì vậy, việc thảo luận trao đổi kinh nghiệm giữa Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Campuchia là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả của việc xét xử, góp phần thúc đẩy hợp tác của các cơ quan tư pháp 2 nước ngày càng gắn kết và hiệu quả cao trong thời gian tới.
Dịp này, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với Tòa án sơ thẩm các tỉnh Tboung Khmum, Prey Veng và Svay Rieng. Các bên sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả trong việc thực hiện quy chế, thỏa thuận song phương về phòng, chống, trấn áp tội phạm ma túy, mua bán người, bảo vệ quyền lợi các nạn nhân thông qua hoạt động xét xử của địa phương có chung đường biên giới với Tây Ninh.
Các bên hợp tác xét xử các vụ án dân sự theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp và các quy định tư pháp liên quan. Đồng thời cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm, phối hợp tuyên truyền pháp luật đến người dân ở khu vực biên giới để nâng cao kiến thức, hiểu biết cho người dân.
Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới giáp các tỉnh Svay rieng, Tboung Khmum, Prey Veng của Vương quốc Campuchia dài gần 240km, với 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính và nhiều cửa khẩu phụ, rất thuận lợi cho công dân của 2 nước qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên đây cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm buôn lậu, ma túy…/.