To chuc Y te The gioi cung cap 3.000 lieu thuoc Tamiflu cho Campuchia hinh anh 1Thuốc điều trị cúm Tamiflu. (Nguồn: science)

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cung cấp cho Bộ Y tế Campuchia 3.000 liều thuốc điều trị cúm Tamiflu (oseltamivir).

Số thuốc trên được cấp cho Bộ Y tế Campuchia thông qua Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (CDC).

Trong thông báo sáng 28/2, CDC Campuchia cho biết số thuốc Tamiflu  WHO cung cấp sẽ được sử dụng để ứng phó với bệnh cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Prey Veng, cũng như phòng ngừa khả năng dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh khác.

Theo CDC, tính tới ngày 28/2, có 2 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người được ghi nhận tại Campuchia, trong đó ca đầu tiên là bé gái 11 tuổi đã tử vong. Ca thứ 2 là cha của bé gái này, đã được điều trị và ra viện ngày 28/2. Hai trường hợp này đều sinh sống tại làng Roleang, xã Romleach, huyện Sithor Kandal thuộc tỉnh Prey Veng.

Theo kết quả nghiên cứu, 2 trường hợp trên nhiễm virus cúm H5N1 từ gia cầm trong làng, không có dấu hiệu lây từ người sang người. 

[Tiết lộ dự thảo hiệp ước mới của WHO về ứng phó với các đại dịch]

 

Trước đó, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine khẳng định tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 tại làng Roleang hiện đã được kiểm soát.

Nhân dịp này, bà Vandine  một lần nữa kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc chết, nấu chín kỹ thực phẩm...

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia khẳng định đến nay không thấy dấu hiệu dịch bệnh có thể bùng phát và nhà chức trách đang theo dõi sát tình hình. Campuchia đang tiến hành xét nghiệm rộng rãi và chưa ghi nhận ca nhiễm mới.

Bà Vandine nêu rõ đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế đã lấy 29 mẫu bệnh phẩm, trong đó có 16 mẫu từ những người tiếp xúc trực tiếp với 2 ca nhiễm và 13 mẫu từ khu vực có các triệu chứng giống cúm. Kết quả xét nghiệm tất cả các mẫu bệnh phẩm trên đều âm tính.

Bà Vandine cũng kêu gọi bất kỳ ai có dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh cần thông báo cho cơ quan y tế địa phương và đi khám tại bệnh viện gần nhất.

Theo Bộ Y tế Campuchia, từ năm 2005 đến nay, có 58 ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người được ghi nhận tại nước này, trong đó 39 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, trong tổng số ca nhiễm, có 45 ca được ghi nhận ở trẻ em dưới 14 tuổi.

Ngày 26/2, WHO đã ra tuyên bố nhận định nguy cơ đối với cộng đồng do virus cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia vẫn ở mức thấp./.

Quang Anh (TTXVN/Vietnam+)