TKV đầu tư tài chính vào 4 công ty tiềm ẩn rủi ro

12:09 - 08/02/2023

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả.

Mới đây Kiểm toán Nhà nước đã ban hành kết luận kiểm toán liên quan đến kiểm toán tài chính tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Nợ phải thu khó đòi lên xấp xỉ 300 tỷ đồng

Thực hiện Quyết định số 1172/QĐ-KTNN ngày 29/8/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đoàn KTNN thuộc KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện kiểm toán tại TKV từ ngày 07/9/2022 đến 31/10/2022. Báo cáo kiểm toán cuộc kiểm toán đã được phát hành, kết quả kiểm toán cho thấy: Năm 2021, nhìn chung TKV và các đơn vị thành viên được kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thực hiện quản lý tài chính và SXKD theo Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính của TKV và các quy chế, quy trình, quy định nội bộ.

1423901cs61127483281copy-1714056371-1729490066

Ảnh minh họa - Nguồn ảnh Báo Thanh tra

Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính-kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý , sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của Công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán còn có những hạn chế, tồn tại nhất định.

Đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng tại 31/12/2021 theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2021 của TKV là 279.157 triệu đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238.278 triệu đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị.

Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Về quản lý hàng tồn kho, còn có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định/hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Đầu tư tài chính tiềm ẩn rủi ro

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như: Đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty CP sắt Thạch Khê...

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định (TSCĐ) còn có các trường hợp: Công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang, theo kết quả kiểm toán, ngày 31/12/2021, một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng/không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

5-chot-1514816200315

Khai thác than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Nguồn: VINACOMIN)

Quản lý doanh thu, thu nhập còn có đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế-kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở định mức tiêu hao nhiên liệu TKV; định mức năng suất thiết bị, tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô và máy xúc phục vụ công nghệ chưa gắn với năng suất hoạt động (Tkm/h; tấn/h)...

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước, có đơn vị chưa kê khai thuế GTGT đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế TNCN; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế TNDN; chưa giảm thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ khoa học và Công nghệ vượt quy định.

Về quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa TSCĐ, thuê ngoài cung cấp dịch vụ, qua kiểm toán chọn mẫu một số gói thầu đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa TSCĐ, thuê ngoài cung cấp dịch vụ tại các đơn vị được kiểm toán cho thấy còn tồn tại trong công tác: Lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán.

Được biết, việc đầu tư tài chính tiềm ẩn rủi ro của TKV cũng từng bị Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong KLTT ban hành năm 2018.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30-6-2015. Trong đó có nêu việc khoản đầu tư của TKV vào Công ty CP Crommit Cổ Định Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã góp vốn, giải ngân xấp xỉ 437 tỉ đồng để đầu tư 2 dự án nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2014 dẫn đến toàn bộ vốn đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế từ 2012-2015 vào khoảng 113 tỉ đồng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.