Tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy số hàng hóa lên đến 2 tỷ đồng
14:09 - 21/11/2022
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị vừa tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm đợt 2 năm 2022 với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.
Theo thông tin Tổng cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Sở Tài chính, Viện kiểm sát và Hải quan Quảng Ninh tiến hành tổ chức họp Hội đồng tiêu hủy đảm bảo theo đúng quy trình, quy định, vệ sinh môi trường.
Các mặt hàng bị tiêu hủy đều là tang vật vi phạm hành chính tập trung đối với các mặt hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu… như rượu, nước giải khát, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử… với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng. Trong đó, thuốc lá 400 triệu đồng, kít test nhanh trị giá ước 450 triệu đồng, mỹ phẩm trị giá 120 triệu đồng, đồ điện tử trên 50 triệu đồng…
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, đây là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường được các đội quản lý thị trường các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, phát hiện và thu giữ.
Toàn bộ hàng hóa được tiêu hủy tại Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (xi măng Lam Thạch) và được giám sát bởi lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh. Công tác tiêu hủy được tiến hành công khai, sau đó được niêm phong, vận chuyển về địa điểm xử lý, tùy loại mặt hàng sẽ được xử lý, chôn lấp theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Được biết, hoạt động tiêu hủy hàng hóa vi phạm được Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tổ chức định kỳ hằng năm với 2 đợt tiêu hủy. Hoạt động này nhằm tuyên truyền tới người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh về sự nguy hại của việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng…
Tính đến hết tháng 10/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra 689 vụ, xử lý 561 vụ, 529 đối tượng, 667 trường hợp vi phạm, xử phạt với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.
Cuối năm là thời điểm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy, lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người dân.
Quy định tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính
Được biết, tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 21/11/2013 quy định: “Hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hoá, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng”.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 21/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì: “Người ra quyết định tạm giữ thành lập Hội đồng xử lý để tiêu hủy các hàng hoá, vật phẩm bị hư hỏng quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này. Hội đồng xử lý do người ra quyết định tạm giữ hoặc người được uỷ quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm (trong trường hợp được cơ quan tài chính cấp trên uỷ quyền hoặc trường hợp người ra quyết định tạm giữ thuộc cơ quan không tổ chức theo cấp hành chính) và đại diện các cơ quan chuyên môn liên quan”.
Việc tiêu hủy phải tuân thủ đúng quy định về hình thức tiêu hủy theo điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 21/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Do đó, tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hoá, vật phẩm và yêu cầu đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy được thực hiện theo các hình thức: Sử dụng hóa chất; Sử dụng biện pháp cơ học; Hủy đốt; Hủy chôn; Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc tiêu hủy hàng hoá phải được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: căn cứ và lý do thực hiện tiêu huỷ; thời gian, địa điểm tiêu huỷ; thành phần tham gia tiêu huỷ; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng của hàng hoá tại thời điểm tiêu huỷ; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.
Thẩm quyền xử phạt và yêu cầu tiêu hủy sẽ do: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường xử phạt và yêu cầu áp dụng biện pháp khắp phục hậu quả theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 82 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 26/8/2020.
Thế nào là hàng nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc
Hàng hóa nhập lậu: Được biết, hiện nay pháp luật không có quy định, định nghĩa rõ ràng thế nào là hàng nhập lậu. Thông thường, mọi người vẫn thường hiểu rằng hàng nhập lậu là hàng hóa nhập khẩu thuộc trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật cũng được xem là hàng nhập lậu.
Một trong số những đặc điểm được xem là hàng nhập lậu cụ thể như sau: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;
Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc: Đối với quy định về hàng hóa không rõ nguồn gốc thì tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm hàng hóa không rõ nguồn gốc cụ thể như sau: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.