Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa có Công điện số 9/CĐ-CT yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, Thường trực Ủy ban Nhân dân trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm, đặc biệt các xã ven đê cấp 2, 3, đê Ba Tổng để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ;" sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác, nghiêm ngặt, liên tục ngày đêm (24/24h); kịp thời phát hiện sớm các sự cố đê điều không để bị động, bất ngờ. Rà soát toàn bộ nhân lực, vật tư, phương tiện đã chuẩn bị, nếu không đảm bảo lập tức bổ sung ngay. Nghiêm cấm các lực lượng được phân công làm công tác phòng, chống thiên tai bỏ vị trí. Thực hiện ngay đóng, lấp bịt các cửa khẩu qua đê, các vị trí đường mòn lối mở; nâng cao các vị trí thấp, võng trên mặt đê do giao cắt với đường giao thông, lối đi dân sinh.
Các đơn vị tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao; trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh rà soát lại các phương án hộ đê cho các tuyến đê, các vị trí xung yếu, nếu không đảm bảo phải phối hợp với địa phương bổ sung kịp thời, trong đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê cấp 2, 3; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phối hợp, đánh giá, hướng dẫn xử lý kỹ thuật khi có sự cố đê điều xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Trước đó, trực tiếp kiểm tra thực tế và thăm hỏi đời sống người dân xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, Bắc Giang, nơi từng bị cô lập do bão lụt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ mất mát đối với người dân, mong bà con vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch nước cho biết Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ với những việc làm cụ thể, thiết thực. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng… để huy động kịp thời nguồn lực hỗ trợ của cả Trung ương và địa phương. Sau bão lũ, các ngành chức năng cần quan tâm đến xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hỗ trợ tỉnh Bắc Giang 500 triệu đồng khắc phục hậu quả bão số 3; tặng 100 suất quà (3 triệu đồng/suất) cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa bão trên địa bàn huyện Lục Nam.
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 2 người chết, 7 người bị thương, đổ sập 18 nhà ở, tốc mái, hư hỏng là 3.854 nhà. Tỉnh di dời khẩn cấp 3.249 hộ gia đình. Nhiều diện tích lúa bị ngập, gẫy. Toàn tỉnh có nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, ách tắc, hư hại; 267 trường học phải cho học sinh nghỉ học. Nhiều khu dân cư bị ngập lụt chia cắt, cô lập; một số tuyến đê bối, đê bao, bờ vùng trên địa bàn tỉnh bị tràn./.
Nguồn: Tỉnh Bắc Giang tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều | Vietnam+ (VietnamPlus)