Tim giai phap ben vung cho diem nong xung dot Trung Dong hinh anh 1Người biểu tình Palestine xung đột với các lực lượng Israel tại thành phố Jenin, Bờ Tây ngày 26/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tháng 1/2023 đã trở thành tháng đẫm máu nhất tại Bờ Tây và Jerusalem trong nhiều năm qua với các vụ bạo lực và tấn công giữa người Israel và người Palestine, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Sau khi chính phủ mới tại Israel lên nắm quyền, quân đội nước này tuyên bố tăng cường mở các đợt truy quét ở các thành phố Jenin và Nablus nhằm "bắt giữ các phần tử thánh chiến Hồi giáo."

Đỉnh điểm là ngày 25/1, các binh sỹ Israel đột kích vào một trại tị nạn ở Jenin. Va chạm khiến 9 người Palestine thiệt mạng và 20 người bị thương, biến tuần qua thành một tuần đẫm máu nhất đối với người Pcalestine.

Hai ngày sau, tối 27/1, một tay súng người Palestine đã xả súng vào đám đông các tín đồ Do Thái bên ngoài một giáo đường tại khu định cư Neve Yaakov ở Jerusalem, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

[Liên hợp quốc quan ngại bạo lực leo thang ở khu vực Bờ Tây]

Trong vòng 24 giờ sau đó liên tiếp xảy ra 3 vụ tấn công khác nhằm vào người Israel. Cảnh sát Israel sau đó đã mở một cuộc càn quét lớn tại Bờ Tây và bắt giữ hàng chục đối tượng người Palestine, đồng thời áp dụng một loạt biện pháp mạnh.

 

Làn sóng bạo lực mới giữa Israel và Palestine bị kích động bởi các yếu tố khác nhau, nhưng ít nhiều đều có mối quan hệ nguyên nhân-kết quả. Xung đột tôn giáo dai dẳng liên quan đến các khu vực linh thiêng của cả người Hồi giáo và Do Thái giáo tại thành phố Jerusalem như bị đổ thêm dầu sau khi chính phủ mới của Israel lên nắm quyền với những chính sách cứng rắn nhằm vào người Palestine.

Đặc biệt, chính trị gia Ben Gvir của đảng tôn giáo cực hữu ngay sau khi nhậm chức đã tới thăm điểm nóng tranh chấp Núi Đền theo cách gọi của Israel, hay đền Al-Aqsa theo cách gọi của người Hồi giáo, khiến cộng đồng Arab trong khu vực dậy sóng.

Tim giai phap ben vung cho diem nong xung dot Trung Dong hinh anh 2Lực lượng an ninh Israel tăng cường an ninh tại Jerusalem, sau các vụ tấn công ngày 28/1/2023. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, chiến dịch truy quét mang tên “Kè chắn” của lực lượng an ninh Israel tại Bờ Tây diễn ra gần như hằng ngày, và tuần nào cũng có ít nhất một người Palestine thiệt mạng.

Chiến dịch này được Israel thực hiện suốt 10 tháng qua, sau khi xảy ra các vụ tấn công do một số phần tử cực đoan người Palestine thực hiện nhằm vào người Israel, ngay tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó là các vụ bạo lực xảy ra giữa binh sỹ Israel hoặc người Do Thái sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây với người Palestine bản địa. Trong một số trường hợp, nạn nhân người Palestine bị bắn được cho là có ý định tấn công lực lượng an ninh Israel, nhưng cũng có không ít vụ nạn nhân là dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em.

Tiến sỹ Ramzy Baroud, một chuyên gia nghiên cứu về Hồi giáo, lưu ý rằng chỉ tính trong tháng 1 đã có hơn 30 người Palestine bị người Israel giết hại và trong năm qua có tới 230 nạn nhân, con số mà theo Liên hợp quốc là cao nhất trong nhiều năm.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 28/1, Chính quyền Palestine (PA) cho rằng tình trạng leo thang nghiêm trọng hiện nay xuất phát từ việc Israel tiếp tục xây khu định cư, sáp nhập đất đai và phá hủy nhà cửa của người Palestine, “hậu quả của sự vi phạm cam kết về thực hiện các thỏa thuận hòa bình đã ký và vi phạm các nghị quyết quốc tế.”

Trong khi đó, tại cuộc họp nội các khẩn cấp sau vụ tấn công tại thánh đường Do Thái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố câu trả lời đối với các vụ tấn công nhằm vào Israel "là một bàn tay sắt và một phản ứng mạnh, nhanh và chính xác.”

Các bộ trưởng Israel cũng đề xuất tăng cường cấp phép xây dựng các khu định cư mới ở Bờ Tây, nơi người Palestine dự kiến sẽ là trung tâm của một nhà nước trong tương lai.
Chia rẽ trong nội bộ Palestine phần nào cản trở việc thực hiện thỏa thuận an ninh giữa PA và Israel, cộng thêm sự trỗi dậy của các đảng tôn giáo cực hữu tại Israel đã làm nảy sinh tâm lý thù hận trong một bộ phận giới trẻ ở Palestine.

Trong khi đó, sau vụ việc, phong trào vũ trang Hamas tại Dải Gaza và Phong trào thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tại Bờ Tây đã kêu gọi người Palestine vùng lên trả đũa, gây lo ngại bùng phát một làn sóng bạo lực mới. Bởi vậy, dư luận cho rằng bạo lực cần phải được kiềm chế từ cả hai phía.

Cộng đồng quốc tế đã có những chuyển động ngoại giao đáng chú ý trong bối cảnh bạo lực leo thang tại Trung Đông, kêu gọi hạ nhiệt tình hình và hối thúc các bên kiềm chế. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang công du Trung Đông đã kêu gọi Israel và Palestine tránh các động thái khiến căng thẳng gia tăng, khẳng định “đây là cách duy nhất ngăn chặn làn sóng bạo lực đã lấy đi quá nhiều sinh mạng của cả hai bên."

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov điện đàm với các nhà ngoại giao cấp cao của Palestine và Israel, kêu gọi hai bên thể hiện trách nhiệm tối đa, đồng thời “kiềm chế mọi hành động có thể khiến tình hình xấu đi hơn nữa."

Từ Vatican, Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi hai bên nỗ lực tìm kiếm hòa bình thực sự, đồng thời khẳng định “vòng xoáy bạo lực đẫm máu gia tăng từng ngày chỉ làm suy giảm lòng tin vốn đã mong manh giữa hai dân tộc.”

Liên minh châu Âu (EU), Ai Cập, Saudi Arabia, Pháp, Đức, Trung Quốc... cũng hối thúc chấm dứt bạo lực.

Về giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine, dư luận cho rằng việc trả đũa bằng bạo lực và trừng phạt tập thể sẽ không giúp ngăn chặn bạo lực trong tương lai. Thay vào đó, các bên cần tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình, có sự tham gia của cộng đồng quốc tế làm trung gian, đặc biệt là vai trò của Nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông, bao gồm gồm Mỹ, Nga, Liên hợp quốc và EU.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã kêu gọi Israel và Palestine khởi động lại quan hệ hợp tác an ninh như một thành tố quan trọng nhằm ngăn chặn bạo lực tiếp diễn.

Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ "sẵn sàng góp phần nối lại đối thoại giữa Palestine và Israel"./.

(TTXVN/Vietnam+)