Chiều 21/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về cách giải quyết bất cập khi tích hợp giấy phép lái xe, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, thực hiện Luật Căn cước và Luật Giao dịch điện tử, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 28 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tạm giữ, tước giấy tờ và đăng ký xe trên ứng dụng VNeID.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, khi tham gia giao thông, người dân sẽ được xuất trình thông tin các giấy tờ liên quan đến người lái xe và xe cho Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý thông qua ứng dụng VNeID. Trong quá trình xử lý mà người vi phạm xuất trình được giấy tờ qua VNeID, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử.
Trường hợp các giấy tờ đã được tích hợp và cập nhật trên VNeID, các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ cũng được thực hiện theo biểu mẫu quy định của pháp luật và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID và ứng dụng hệ thống thông tin điện tử khác khi có đủ điều kiện, kỹ thuật thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) đề cập tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế xã hội, một số cơ sở còn vi phạm trong chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy; ý thức, trách nhiệm của một số người dân khi còn chủ quan, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, do tồn tại của lịch sử, bất cập về cơ sở hạ tầng không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, không thể khắc phục ngay được, đòi hỏi phải có lộ trình trong những giải pháp tổng thể về quy hoạch, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cũng chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp để hạn chế và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng khác dành thời lượng ở khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, khuyến cáo người dân về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ.
Bộ Công an cũng đang xây dựng dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đã được Quốc hội khóa XV xem xét, ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 8 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ và những yêu cầu chung nhằm phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, để các công trình này được nghiệm thu và đưa vào sử dụng./.
Nguồn: Tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy chưa theo kịp tốc độ phát triển KT-XH | Vietnam+ (VietnamPlus)