Tiềm năng và lợi thế, làm thế nào để Cảng Sài Gòn phát triển xứng tầm?

06:10 - 29/10/2022

Đây là vấn đề được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đặt ra tại buổi làm việc với Cảng Sài Gòn ngày 28/10.

Tiềm năng và lợi thế, làm thế nào để Cảng Sài Gòn phát triển xứng tầm?  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định: Cảng Sài Gòn là cảng có bề dày lịch sử và trước đây có quy mô lớn nhất cả nước. Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến hoạt động của Cảng Sài Gòn vì đây là nơi có nhiều lợi thế nhưng hiện tại đơn vị chưa phát huy được lợi thế cũng như thương hiệu của cảng. 

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của Cảng Sài Gòn, trong thời gian chưa thu hồi khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Tân Thuận thì tiếp tục khai thác. 

Đối với khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, đề nghị Cảng Sài Gòn có đề xuất bằng văn bản và phương thức khai thác phù hợp tình hình thực tế và không được đầu tư mới vào đây. Việc khai thác cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, cảng Tân Thuận cần bám vào kế hoạch sử dụng đất của TP.HCM. 

Đối với dự án Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Thứ trưởng Sang nhận định, đây là cơ hội để đột phá và phát triển vận tải biển. Tuy nhiên, để di dời cảng và xây dựng một cảng mới với quy mô tầm cỡ phải làm theo trình tự. 

“Chúng ta sẽ tiến hành đưa quy hoạch cảng vào quy hoạch Quốc gia theo trình tự, thủ tục, quy định hiện hành. Dự án cảng Cần Giờ có liên quan đến đất rừng phòng hộ nên vừa phát triển cảng phải vừa bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên”, Thứ trưởng Sang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) cho biết, kế hoạch di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Q.4), khu cảng Tân Thuận (Q.7) đã có từ nhiều năm trước đây và đơn vị sẽ thực hiện theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian chưa thực hiện di dời đơn vị kiến nghị tiếp tục khai thác.

Về kế hoạch sản suất, ông Tâm cho biết, dự kiến giai đoạn 2023-2025, công ty sẽ duy trì khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng du lịch; kết hợp với các đại lý, công ty lữ hành, đổi mới dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch dấn dẫn. 

Đối với cảng Tân Thuận, từ nay đến năm 2025 sẽ hoạt động ổn định. Từ 2025 trở đi sẽ bàn giao 1 phần diện tích cảng Tân Thuận (dự kiến 40%) để xây cầu Thủ Thiêm 4. Chiều dài cầu cảng dự kiến giảm còn 550m. 

Đối với việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, đại diện Công ty CP Cảng Sài Gòn kiến nghị các đơn vị liên quan cho phép giữ lại trụ sở làm việc tại số 3 đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) để làm trụ sở làm việc. Đại diện Công ty Cảng Sài Gòn cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, trong đó có việc bổ sung cảng vào quy hoạch tổng thể phát triển Quốc gia. 

Đơn vị này kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ để sớm nhanh chóng triển khai đầu tư cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Đây sẽ là cảng đảm bảo sự thống nhất trong khai thác cảng, cơ sở hạ tầng, kết nối với mạng lưới giao thông vận tải quốc gia và logistics thông qua đường thủy và đường bộ. Việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế, đón tàu trọng tải lớn nhằm tái định vị lại thương hiệu Cảng Sài Gòn trong ngành hàng hải trong nước và toàn cầu tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương lai có thể tiếp nhận tàu 200.000 -250.000 DWT trung chuyển và phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tương lai. 

Tại buổi làm việc, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại cảng cũng đang chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế của thế giới khi dịch bệnh và các biến động khác khiến tốc độ phát triển đang giảm, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao nỗ lực của tập thể lãnh đạo, người lao động tại cảng và yêu cầu Cảng Sài Gòn có các kế hoạch, giải pháp bức tốc cho những tháng cuối năm 2022.