Thuy Si: FINMA phe duyet thuong vu UBS tiep quan Credit Suisse hinh anh 1Biểu tượng ngân hàng Credit Suisse (trái) và UBS tại Basel, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã phê duyệt việc UBS tiếp quản Credit Suisse để có thể tiếp tục tất cả các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng mà không bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Giải pháp tiếp quản và các biện pháp được thực hiện sẽ giúp đảm bảo sự ổn định cho các khách hàng lẫn danh tiếng của Thụy Sĩ như một trung tâm tài chính toàn cầu, sau khi Credit Suisse trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin.

Trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng lần này, Credit Suisse đã bị coi là mắt xích yếu trong chuỗi ngân hàng châu Âu khi ngân hàng này vướng vào một loạt các vụ bê bối bắt đầu từ năm 2021, dẫn đến những khó khăn về tài chính và giảm sút về uy tín.

[Vụ sáp nhập Credit Suisse gây lo ngại cho danh tiếng ngân hàng Thụy Sĩ]

Sau 167 năm tồn tại độc lập, Credit Suisse đã bị loại khỏi cuộc chơi và bị ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS tiếp quản trong một cuộc giải cứu khẩn cấp.

Thỏa thuận này là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Credit Suisse nằm trong số 30 tổ chức tài chính được coi là ngân hàng quan trọng trong hệ thống toàn cầu. Do đó, các nhà chức trách đều rất lo lắng về những hậu quả tiềm tàng nếu Credit Suisse sụp đổ.

Tuy UBS có quy mô lớn hơn, Credit Suisse vẫn có ảnh hưởng đáng kể với khối tài sản trị giá 1.400 tỷ USD dưới quyền quản lý của họ.

Hồi năm 2008, Credit Suisse đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không cần hỗ trợ như UBS.

Sự kết hợp của hai ngân hàng Thụy Sĩ, mỗi ngân hàng đều có lịch sử từ giữa thế kỷ 19, đã đánh vào danh tiếng của đất nước như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Sự kiện này đẩy Thụy Sĩ đối mặt với nguy cơ chỉ có một ngân hàng duy nhất “quá lớn để phá sản.”

Một số khách hàng có thể phải cảnh giác trước tình trạng hỗn loạn - điều trái ngược với danh tiếng “thiên đường ổn định” của Thụy Sĩ.

Giới chức Thụy Sĩ đã phải chạy đua với thời gian để tìm ra phương án giải cứu Credit Suisse, ngăn khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu.

Cuộc giải cứu kéo dài mười một giờ được hỗ trợ bởi một khoản bảo lãnh khổng lồ của chính phủ, giúp ngăn chặn điều lẽ ra là một trong những vụ phá sản lớn nhất của ngành ngân hàng kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ biến UBS trở thành ngân hàng toàn cầu duy nhất của Thụy Sĩ, đồng thời khiến nền kinh tế Thụy Sĩ phụ thuộc nhiều hơn vào một bên cho vay duy nhất.

Hai đảng chính trị lớn nhất của Thụy Sĩ đã chỉ trích gay gắt việc tiếp quản, nói rằng sự hỗ trợ khổng lồ của nhà nước - có thể lên tới 280 tỷ USD - đã tạo ra những rủi ro to lớn cho đất nước.

Hiện vẫn còn những yếu tố không chắc chắn về cách thỏa thuận sẽ được triển khai ra sao và điều gì xảy ra tiếp theo đối với hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn.

Các nhà phân tích cho rằng một số vụ sáp nhập ngân hàng bắt buộc trước đây không mang lại lợi ích tốt cho các cổ đông trong dài hạn.

Cố vấn kinh tế cấp cao Vicky Redwood của công ty tư vấn tài chính Capital Economics cho rằng có thể không còn ngân hàng nào gặp rắc rối nữa, nhưng cũng có thể sẽ còn những cái tên khác nối bước Credit Suisse.

Bà Redwood cho hay hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng ngân hàng nào sẽ trở thành Credit Suisse tiếp theo, nhưng rất khó để dự đoán vấn đề sẽ xuất hiện ở đâu.

Cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse là đòn giáng mạnh vào Thụy Sĩ - đất nước nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng với 243 ngân hàng và 24 chi nhánh quốc tế.

Sự ổn định và giàu có của Thụy Sĩ chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn được coi là chặt chẽ và an toàn nhất thế giới./.

Tố Uyên-Văn Tuấn (TTXVN/Vietnam+)