Thuc day kinh te giua cac dia phuong va Trung Khanh cua Trung Quoc hinh anh 1Đại diện các doanh nghiệp trao đổi tại buổi kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Năm 2015, Bộ Công thương Việt Nam đã thành lập Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc), qua đó thúc đẩy kinh tế và thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và thành phố Trùng Khánh tăng trưởng nhanh chóng.

Số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên chỉ đạt 2 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã tăng gấp đôi, đạt 4,5 tỷ USD.

Mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19, nhưng kim ngạch thương mại hai bên trong năm 2020 vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt trên 7,3 tỷ USD. Năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 7,93 tỷ USD. Năm 2022 do chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại Trung Quốc nói chung, Trùng Khánh nói riêng nên kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên giảm nhẹ, nhưng vẫn đạt 7,3 tỷ USD.

Việt Nam 3 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm tỷ trọng 40% kim ngạch thương mại Trùng Khánh-ASEAN.

Bà Triệu Thúy Nga - Trưởng văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, cho biết những năm vừa qua, Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dự định đầu tư tại Việt Nam, cung cấp thông tin chính sách đầu tư, môi trường kinh doanh, tư vấn về thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy, thành lập công ty, tuyên truyền về chính sách thu hút đầu tư.

Tính đến hết năm 2022, đã có hơn 30 doanh nghiệp Trùng Khánh đầu tư 21 dự án về máy móc thiết bị, máy nông nghiệp, linh kiện ôtô, xe máy... tại Việt Nam, lũy kế tổng giá trị đầu tư đạt trên 569 triệu USD.

 

Năm 2023 là năm mà Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch, thực hiện khôi phục dần việc mở cửa cho hàng hóa và du khách quốc tế, hứa hẹn là một năm sôi động về kinh tế thương mại.

Ngay từ đầu năm nay, đã có rất nhiều cơ quan và doanh nghiệp Trùng Khánh, Tứ Xuyên liên hệ Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh đề nghị hỗ trợ kết nối giúp tổ chức đoàn sang thăm và làm việc, khảo sát tại Việt Nam. Dự kiến tháng 5, tháng 6 năm nay, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ sang tham dự Hội chợ miền Tây Trùng Khánh và đoàn Ủy ban Thương mại Trùng Khánh sang thăm, làm việc khảo sát tại Việt Nam.

[Doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Trung Quốc kết nối giao thương]

Theo bà Triệu Thúy Nga, trên cơ sở nội dung Bản ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngành công thương đã ký giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Thương mại Trùng Khánh tháng 9/2022; phát huy kết quả đã đạt được những năm qua, Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động năm 2023 về thực hiện MoU đã ký kết giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam với Ủy ban Thương mại Trùng Khánh.

Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh tập trung vào những hoạt động phối hợp tổ chức các hoạt động Xúc tiến Thương mại, tổ chức doanh nghiệp tham gia các hoạt động gồm Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 32, Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ Thực phẩm Việt Nam, Hội chợ Thương mại Đầu tư Quốc tế miền Tây Trung Quốc tại Trùng Khánh…; tổ chức hội nghị Xúc tiến Thương mại đầu tư và các đoàn khảo sát; Đầu mối hỗ trợ thúc đẩy nâng cấp quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trùng Khánh thông qua hoạt động gặp gỡ lãnh đạo cấp Bộ Công Thương và lãnh đạo thành phố Trùng Khánh.

Có thể thấy, những con số biết nói nêu trên đã chứng minh cho tính đúng đắn của quyết định thành lập Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh. Phát huy tốt vai trò cầu nối hợp tác kinh tế thương mại, Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại hai bên ngày càng phát triển.

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại đất nước và kinh tế nước này đang phục hồi mạnh mẽ, kinh tế-thương mại Việt Nam-Trùng Khánh nói riêng và Việt-Trung nói chung hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và những năm tiếp theo.

Không chỉ tỉnh Trúng Khánh, Việt Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cũng còn rất nhiều dư địa hợp tác, đặc biệt trong thương mại hàng hóa.

Đây là nhận định của các đại biểu tại hội nghị hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu Việt Nam-Quảng Tây (Trung Quốc) do Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc chi nhánh Quảng Tây phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 12/4.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), cho biết đến tháng 3/2023, số lượng dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 23,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư xếp thứ 18 trong tổng số 119 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính lũy kế đến 3/2023, Trung Quốc đã có 473 dự án đầu tư còn hiệu lực tại thành phố với tổng vốn đạt trên 267 triệu USD.

Trong thời gian qua, nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai nước được thúc đẩy, thêm nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Hiện nay, mối quan hệ giữa Quảng Tây và Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới. Hai bên đã thống nhất triển khai hợp tác thương mại về điện lực; nâng cao hiệu suất thông quan với việc thí điểm mô hình “cửa khẩu thông minh," triển khai hợp tác cảng biển… góp phần củng cố và đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai bên./.

Tiến Trung-Mạnh Cường-Thành Dương (TTXVN/Vietnam+)