Trong chặng đường 74 năm, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác. Năm 2008, hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao và nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới và là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
Đáng lưu ý, Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.
Đối tác tin cậy
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2022; trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 32,3 tỷ USD, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Việt Nam trong năm 2023 đạt 229,79 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 137,61 tỷ USD, giảm 3,7%; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 92,18 tỷ USD, tăng 4,8%.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Cùng đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng và Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc mở ra cơ hội bước vào thị trường tỷ dân của một trong những sản phẩm có giá trị rất cao của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hóa Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này.
Tăng cường hợp tác
Đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang lựa chọn Việt Nam là địa điểm đặt nhà máy sản xuất, kinh doanh.
Ông Gu Chao Qing, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cho biết: Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có hơn 4.000 hội viên, hoạt động khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, từ miền Bắc, miền Trung, đến miền Nam. Hiện tại, doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư tập trung vào một số địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định... bởi môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng hấp dẫn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng cởi mở, minh bạch nên hấp dẫn được sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một trong những dự án của nhà đầu tư Trung Quốc vừa đầu tư tại Việt Nam là Trung tâm Thương mại Quốc tế điện tử Trung Việt Trung, dự án này vừa chính thức khai trương giai đoạn 1 tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trên diện tích 8.000 m2 và dự kiến giai đoạn 2 của dự án sẽ có quy mô lên tới 100.000 m2, cũng đặt tại tỉnh Bắc Ninh.
Ông Liang Yang Hong, Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Quốc tế điện tử Trung Việt Trung chia sẻ: Đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu những sản phẩm linh, phụ kiện trong lĩnh vực công nghiệp, điện tử của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất. Theo đó, hiện tại đã có 35% doanh nghiệp Trung Quốc có nhà xưởng sản xuất tại Việt Nam trưng bày hàng hóa tại đây.
Đối tượng khách hàng mà Trung tâm Thương mại Quốc tế Trung Việt Trung hướng đến là những doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam và những nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đang có nhu cầu về linh, phụ kiện để đáp ứng hoạt động sản xuất của họ tại Việt Nam.
Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, sau 15 năm, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 8 lần, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam tăng gần 10 bậc, trong khi tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Đặc biệt, hợp tác kinh tế thương mại có mức bổ trợ lẫn nhau rất cao và còn tiềm năng rất lớn. Hai bên đang đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nhiều loại nông lâm thủy sản, hoa quả Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam cũng nhanh chóng xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản thực phẩm của Trung Quốc. Cùng đó, thúc đẩy ký kết Nghị định thư đối với các loại nông sản có hoạt động thương mại truyền thống và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách để thúc đẩy thương mại hai bên.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, hai Bộ trưởng cùng khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế-thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ "Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt-Trung."
Trên cơ sở vai trò và tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung, hai Bộ trưởng đã trao đổi một số vấn đề cần giải quyết và lĩnh vực trọng điểm cần tăng cường hợp tác thời gian tới. Cùng đó là những định hướng quan trọng trong tương lai nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung phát triển theo hướng ổn định, cân bằng và bền vững./.
Nguồn: Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc | Vietnam+ (VietnamPlus)