Ngày 15/8, các đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu thả hàng ngàn khối rạn tạo sinh cảnh làm nơi cư trú cho các loài thủy sản ở ngoài vùng biển huyện Phú Lộc.
Đây là hoạt động nằm trong Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguồn vốn đầu tư từ tiền bồi thường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Mục tiêu của dự án là hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú và giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy đến các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống. Qua đó, phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Vị trí thả các khối bêtông cốt thép hình lập phương và hình bán cầu cách bờ biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc khoảng 10km.
Theo thiết kế, có 4.352 khối; trong đó chủ yếu là khối hình lập phương sẽ được thả trong vùng diện tích khoảng 3km2, ở độ sâu từ 25-40m. Vị trí được lựa chọn để tạo sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Hình khối, chất liệu các khối rạn được làm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các hình khối được tập kết tại cảng Chân Mây, sau đó đưa lên thuyền ra vị trí đã xác định tọa độ để tiến hành thả xuống biển.
Dự kiến, công việc này sẽ hoàn thành vào tháng 10/2024. Khu vực tạo sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú ngoài biển sẽ được cơ quan chức năng cắm phao, biển báo chỉ dẫn phương tiện tàu thuyền không đi vào cũng như không khai thác tại đây.
Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản của tỉnh Thừa Thiên-Huế có tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng; trong đó hợp phần thả rạn nhân tạo khoảng 150 tỷ đồng và hợp phần trồng, phục hồi san hô khoảng 20 tỷ đồng.
Hợp phần trồng, phục hồi san hô đã hoàn thành giai đoạn lập dự án và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt. Tuy nhiên, do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động trồng, phục hồi san hô nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có báo cáo đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành định mức.
Tuy nhiên, Bộ có văn bản phản hồi đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, phục hồi san hô để phục vụ thực hiện Dự án theo thẩm quyền, đảm bảo đúng các quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Như vậy, địa phương sẽ khó hoàn thành hợp phần này trong năm 2024 như kế hoạch./.