Thu tuong Scholz: Duc sap vao giai doan tang truong kinh te vuot bac hinh anh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế Đức đang phải đối mặt, Thủ tướng nước này Olaf Scholz vẫn tự tin khẳng nước Đức sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm triển lãm München ngày 10/3, Thủ tướng Scholz bày tỏ "có mọi lý do để lạc quan hơn về tương lai so với một năm trước đây."

Đức đã có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong một thời gian ngắn và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng. Nước này cũng đang chuẩn bị tốt cho mùa Đông sắp tới.

Ông Scholz tự tin khẳng định "nước Đức sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc."

Theo nhà lãnh đạo Đức, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, một trong những vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách là đảm bảo đủ đội ngũ lao động lành nghề, cả thông qua đào tạo tại các trường đại học và trường nghề lẫn đào tạo trực tiếp trong các ngành sản xuất.

[Đức thông báo tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng gió]

 

Ngoài ra, cần cải thiện cơ hội việc làm cho phụ nữ và tăng tốc nhập cư lao động từ nước ngoài. Thủ tướng Scholz khẳng định trong năm nay sẽ có thêm nhiều lao động nhập cư mới đến Đức.

Tuy nhiên, đại diện các ngành kinh tế Đức cho rằng nền kinh tế nước này vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Để có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, Đức còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm, nước này cần một chiến lược dài hạn để tiếp tục thành công trên thế giới, trong đó cần phải giải quyết hàng loạt rào cản, như chi phí năng lượng và tỷ lệ lạm phát còn ở mức cao, các thủ tục và quy định còn rườm rà, mức thuế doanh nghiệp thuộc loại cao hàng đầu thế giới làm suy giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Đức...

Đồng quan điểm với lãnh đạo BDI, Chủ tịch Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian cho rằng nước Đức đã có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng mà không bị thiếu khí đốt, điều này là hết sức tích cực.

Chính sách đối phó với khủng hoảng của chính phủ liên bang đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cần phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nữa để đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Đức.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường phát triển nền kinh tế xanh không phát thải khí cacbon và khắc phục tình trạng thiếu lao động tay nghề cao./.

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)