Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dịch vụ công trực tuyến hướng đến '4 không'

16:42 - 31/08/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dịch vụ công trực tuyến hướng đến '4 không'

Sáng 31/8, chủ trì Hội nghị chuyên đề trực tuyến toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số nhấn mạnh, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu vì 1 mục tiêu chung, trên cả 2 trụ cột, với 3 trọng tâm, hướng đến 4 không và thực hiện 5 tăng cường.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính ở thành phố Đà Nẵng kết nối với đầu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Chủ tịch, lãnh đạo Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ.

Người dân, doanh nghiệp không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đạt được trong Chuyển đổi Số, triển khai dịch vụ công trực tuyến; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác Chuyển đổi Số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Qua đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để hướng tới Chuyển đổi Số, thực hiện thủ tục hành chính 4 không: không giấy tờ, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không tiền mặt, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hội nghị đánh giá, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam triển khai từ khoảng 20 năm qua, đã trải qua 2 giai đoạn khởi động và phát triển theo chiều rộng. Các nội dung liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đề cập, thể hiện rõ trong các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Trong đó có, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

ttxvn_thu_tuong_chu_tri_hoi_nghi_chuyen_de_nang_cao_hieu_qua_dich_vu_cong_truc_tuyen_4.jpg
Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong bốn năm qua, môi trường pháp lý cho triển khai dịch vụ công trực tuyến cơ bản được hoàn thiện; tạo thuận lợi cho triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo hướng toàn diện, toàn trình, với việc ban hành 1 luật, 6 nghị định và 4 thông tư. Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ Số được xây dựng, kết nối chia sẻ, khai thác hiệu quả. Có 100% bộ, ngành, địa phương được trang bị Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên quy mô quốc gia có Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực để đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả, lâu dài các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Toàn quốc có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; có 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh. Cả nước có 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt, đạt gần 73% tổng hồ sơ định danh điện tử.

Hiện nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có những thành công. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình dịch vụ công trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024. Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3 nghìn quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; đã cung cấp thêm gần 1,8 nghìn dịch vụ công trực tuyến, đạt 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4%, tăng 23% so với năm 2023; của địa phương đạt 64,3%, tăng 35% so với năm 2023...

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID.

Hội nghị cho rằng, bước vào giai đoạn 3 cung cấp dịch vụ công trực tuyến phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, hoan nghênh và cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu; giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số để thống nhất triển khai trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ nêu 8 kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số, nhất là trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở; nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực; thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên.

ttxvn_thu_tuong_chu_tri_hoi_nghi_chuyen_de_nang_cao_hieu_qua_dich_vu_cong_truc_tuyen_3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
 

Thủ tướng cũng cho rằng, hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đổi mới, thực hiện các mô hình, giải pháp hữu hiệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại sẵn sàng thực hiện Hải quan số...

Phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa kịp thời; cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao; triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập; nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá; tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh; công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng...

Chỉ rõ nguyên nhân hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng quán triệt quan điểm triển khai cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm tuân thủ theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước, Chính phủ vì một mục tiêu chung: tối thiểu chi phí, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiến nhanh, tiến chắc trên cả 2 trụ cột là thủ tục hành chính nội bộ và dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xây dựng và củng cố 3 đột phá trọng tâm: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa. Hướng đến 4 không là không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Và thực hiện 5 đẩy mạnh và tăng cường: Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số; tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu, chiến lược về Chuyển đổi Số Quốc gia, phát triển Chính phủ Số, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức phục vụ nhân dân từ “bị động” sang “chủ động” dựa trên dữ liệu.

Thủ tướng chỉ rõ, phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Trong đó, rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn trên tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra, đòi hỏi, yêu cầu, đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thiết kế thành quy định để tạo hành lang pháp lý trong triển khai, thực hiện, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn,” thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục hành chính theo các nghị quyết, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sớm trình ban hành đầy đủ các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử.

ttxvn_thu_tuong_chu_tri_hoi_nghi_chuyen_de_nang_cao_hieu_qua_dich_vu_cong_truc_tuyen_2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

“Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06,” Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải sớm có nghiên cứu đánh giá, mở rộng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để hoàn thiện hệ sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp, trở thành các điểm số hóa, cung cấp các dịch vụ công phi địa giới hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, nhất là các đối tượng yếu thế; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước.

Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả. Theo đó, tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia theo đúng Nghị quyết 175 của Chính phủ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuyển đổi số; khẩn trương xóa các điểm lõm sóng, lõm điện; tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu công tác; tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, nhất là hoàn thiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”

Yêu cầu nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung và cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; đã đi là đến, đã ra quân phải chiến thắng, kết quả quý sau phải cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no./.

Nguồn: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dịch vụ công trực tuyến hướng đến '4 không' | Vietnam+ (VietnamPlus)