Tiếp tục chương trình kiểm tra tình hình triển khai, thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng ở khu vực phía Nam, ngày 13/2 (tức mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra việc triển khai Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai); Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án trên địa bàn.
Giải quyết dứt điểm việc thiếu vật liệu san lấp
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km đi qua 4 tỉnh, thành phố là Thành phố Hổ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Đồng Nai; tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng; dự kiến năm 2025 cơ bản hoàn thành và từ năm 2026 đưa dự án vào khai thác.
Kiểm tra, động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công gói thầu xây lắp 3 - đường trên cao hoàn toàn, với chiều dài 14,7km, tại quận Thủ Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao Ban Quản lý dự án và các nhà thầu, đặc biệt cảm ơn hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân đã hy sinh những ngày nghỉ Tết của mình để bám sát công trường, thúc đẩy thi công dự án, theo tinh thần của Chính phủ là “làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ” với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa," "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," "chỉ bàn làm, không bàn lùi"...
Cho biết đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng, kết nối các đầu mối giao thông chính trong nước và quốc tế, kết nối các trung tâm kinh tế phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà cả khu vực phía Nam và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục nỗ lực, lấy năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá để đạt mục tiêu thông xe toàn tuyến trong năm 2025 và khai thác dự án vào năm 2026.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hằng tháng giao ban kiểm điểm tiến độ dự án Vành đai 3.
Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) và tỉnh Đồng Nai (thực hiện giải phóng mặt bằng) thúc đẩy tiến độ dự án cầu Nhơn Trạch.
Thủ tướng lưu ý tuyến Vành đai 3 cũng như nhiều dự án khác của Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài yếu tố tiến độ và chất lượng, phải bảo đảm các yếu tố mỹ thuật, cảnh quan, môi trường như hệ thống ánh sáng, cây xanh, phấn đấu mỗi công trình là một điểm nhấn, góp phần phát triển du lịch.
“Các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh khai thác các không gian phát triển mới, nghiên cứu xây dựng các nút giao thông trở thành những công trình kiến trúc, sản phẩm du lịch...,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ban Quản lý dự án, đến nay toàn dự án đã bàn giao mặt bằng 571/658ha đạt 87%.
Công tác lựa chọn nhà thầu, khởi công, triển khai thi công, các dự án tại Long An vượt tiến độ, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương cơ bản triển khai đáp ứng tiến độ, riêng tại Đồng Nai chậm so với kế hoạch. Toàn dự án thi công đạt sản lượng khoảng 11,2%.
Tuy nhiên, dự án vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong khi nguồn cung về vật liệu cát có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp.
Tỉnh Đồng Nai hiện mới bàn giao 6,2% mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Tại công trường, Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết ngay một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và phát sinh liên quan vật liệu san lấp, việc triển khai dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm việc cung cấp cát sỏi, vật liệu san lấp thông thường phục vụ các dự án hạ tầng, trong đó khẩn trương hoàn thành thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức... để chính thức đưa cát biển vào sử dụng.
Về dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành dự án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, phấn đấu trong năm 2024 khởi công xây dựng tuyến đường quan trọng này.
Đối với dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời tăng cường thông tin phân tích để mọi người dân hiểu rõ về dự án, đặc biệt là việc dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam và cả nước, không ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Quy hoạch xây dựng thành phố Sân bay Long Thành
Kiểm tra, chúc Tết các lực lượng thi công tại công trường xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tỏ rõ phấn khởi, bởi khí thế lao động sôi nổi tại công trường, với hàng chục xe máy, hàng trăm cán bộ, công nhân vẫn làm việc hăng say trong những ngày Tết và dưới trởi nắng nóng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đây là cái Tết thứ 3 liên tiếp, Thủ tướng đến kiểm tra triển khai dự án này.
Nếu như Tết năm 2022 dự án vẫn còn vắng lặng, thì Tết năm 2023 đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng và đến năm 2024 hình hài của Cảng hàng không quy mô lớn đã hiện rõ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án đã đạt 98,7%, với tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.647 hộ.
Công tác xây dựng hạ tầng các khu tái định cư và tái lập hạ tầng đạt yêu cầu tiến độ, đón người dân vào sinh sống và tiếp tục hoàn thiện.
Hiện, đang triển khai xây dựng các Trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước như Cảng vụ hàng không, Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh, Công an, cơ quan Kiểm dịch động/thực vật...; các công trình phục vụ quản lý bay.
Các đơn vị đang thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình như sân đỗ tàu bay và các công trình hạ tầng kỹ thuật; các công trình dân dụng thuộc hạ tầng khu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa và các công trình khác... Hạng mục san nền, thoát nước đã thi công 106.684/115.533 triệu m3, đạt 92,3%.
Đặc biệt, hạng mục Nhà ga hành khách do Liên danh VIETUR trúng thầu và đã khởi công ngày 31/8/2023.
Hiện tại nhà thầu đang huy động 1.532 nhân sự, gần 600 thiết bị thi công; lắp dựng 24/24 cẩu tháp; hoàn thành thi công các tuyến đường công vụ khu vực nhà ga kết nối với các tuyến đường công vụ hiện hữu của dự án.
Nhà thầu đã hoàn thành thi công các cổng, hàng rào công trường; lắp đặt, đưa vào sử dụng 6/6 trạm biến áp 1.000KVA; tổng khối lượng đào đất đạt 94%, đập đầu cọc được 1.228/1.560 cọc (78,7%), bêtông lót đài móng đạt 852/1.115m3 (76,4%), bêtông đài móng đạt 794/1.115 đài (71,2%)...
Đối với công tác thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay của ga hàng hóa, cách ly, khối lượng đào đất đạt 741.3571m3 (29,6%), đắp đất 588.948m3 (27,3%), đắp cát được 59.713m3 (10,8%), cấp phối đá dăm loại I 17.584m3 (3,5%)...
Tại công trường, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai dành cho dự án.
Cho rằng dự án đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ để bù lại tiến độ đã chậm trước đây. Trong đó, phát động phong trào thi đua theo các mốc thời gian cụ thể; tổ chức thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa,” “làm việc 3 ca, 4 kíp,” “làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” khi có vướng mắc thì “bàn làm, không bàn lùi.”
“Nếu như năm 2023 là năm khởi động, thì năm 2024 phải bứt phá để năm 2025 tăng tốc và về đích vào năm 2026,” Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan thường xuyên giám sát, để công trình được xây dựng bảo chất lượng, kỹ/mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động; chống tiêu cực, lãng phí.
Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ triển khai các phần việc và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Tổ chức triển khai đồng thời các gói thầu chính và các gói thầu phụ, công trình chính và công trình phụ trợ.
Đặc biệt, khi dự án giai đoạn 1 chuẩn bị hoàn thành phải triển khai ngay giai đoạn 2; khẩn trương xây dựng quy hoạch thành phố Sân bay Long Thành với các hạ tầng, dịch vụ đồng bộ để khai thác tối đa tiềm năng dự án.
Về công tác tái định cư, trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ, giải quyết thỏa đáng các ý kiến của người dân, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là đảm bảo cuốc sống, nơi ở mới của người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Trước đó trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm khu tái định cư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành tại ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thủ tướng Chính phủ cảm ơn người dân đã nhường đất cho dự án; bày tỏ vui mừng khi được chúng kiến cuộc sống mới tại khu tái định cư với các hạ tầng được đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang, hiện đại.
Lắng nghe ý kiến của người dân đề xuất, kiến nghị liên quan công ăn, việc làm sau tái định cư, quy định không được xây dựng nhà cấp 4 trong khu tái định cư hay việc người dân phải đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương rà soát tổng thể về đời sống của bà con, tổ chức đào tạo, chuyển đổi nghề; ưu tiên tuyển dụng con em các hộ dân di dời phục vụ dự án; đồng thời tổ chức các ngành dịch vụ, tạo sinh kế cho người dân vùng dự án.
Về quy định người dân trong khu tái định cư không được xây nhà cấp 4, Thủ tướng yêu cầu địa phương xây dựng quy hoạch, trong đó có quy hoạch kiến trúc phù hợp và hỗ trợ người dân trong xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn người dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, góp phần xây dựng khu dân cư khang trang, xanh sạch, đẹp, văn minh.
Đối với việc người dân phải đóng góp xây dựng hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát các quy định, nếu không phù hợp thì điều chỉnh, trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Cử Tổ công tác hỗ trợ tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng
Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km, tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng.
Trên tuyến có 6 nút giao, trong đó có 2 nút giao quan trọng là nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và nút giao cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Dự án gồm 3 dự án thành phần, gồm Dự án thành phần 1 dài 16km; Dự án thành phần 2 dài 18,2km; Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5km.
Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án: Dự án thành phần 1 mới đạt 5%, Dự án thành phần 2 đạt 19,74%, Dự án thành phần 3 đạt 96%. Dự án có 06 khu tái định cư, đang được tiến hành xây dựng.
Dự án đã khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023. Đến nay dự án thành phần 1 có 2 gói thầu và đang thực hiện công tác chuẩn bị và triển khai thi công hiện trường; Dự án thành phần 2 có 2 gói thầu xây lắp; đang triển khai thi công một số hạng mục có mặt bằng, sản lượng đạt khoảng 3%; Dự án thành phần 3 có 1 gói thầu xây lắp; đang triển khai thi công, sản lượng đạt khoảng 12%.
Trong quá trình triển khai phát sinh một số vướng mắc nhất là trong giải phóng mặt bằng, nhất là tại tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, việc chưa thực sự chủ động nguồn vật liệu sản lấp mặt bằng cũng là trở ngại của dự án.
Sau khi khảo sát thực địa, làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có vai trò quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức, các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống giải quyết kẹt xe trên Quốc lộ 51.
Cùng với đó, trục cao tốc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng của Cảng biển Cái Mép-Thị Vải, Sân bay Quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và cử Tổ công tác do một Thứ trưởng làm Tổ trưởng vào phối hợp, hỗ trợ các địa phương, nhất là tỉnh Đồng Nai giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo pháp luật. Đối với việc xây dựng các khu tái định cư, Thủ tướng khuyến khích để người dân tái định cư tại chỗ, tái định cư tự do theo quy hoạch.
Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập, cử Tổ công tác phối hợp cùng các địa phương trong di dời các công trình kỹ thuật.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương nghiên cứu mở các nút giao phù hợp trên tuyến cao tốc này, nhằm khai thác tối đa dự án và không gian phát triển do tuyến cao tốc tạo ra.
Tỉnh Đồng Nai và các địa phương liên quan giao mỏ đất cho các nhà thầu chủ động nguồn vật liệu phục vụ dự án.
“Tất cả những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng phải được xử lý, giải quyết xong trước ngày 30/6/2024, giúp thúc đẩy triển khai dự án, phấn đấu thông toàn tuyến trong năm 2025,” Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, giao Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam nghiên cứu, thực hiện Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; đề xuất phương án cụ thể trong tháng 2/2024 này./.
Nguồn: Thủ tướng kiểm tra các dự án giao thông quan trọng ở khu vực phía Nam | Vietnam+ (VietnamPlus)