Thu tuong Duc Olaf Scholz bat dau chuyen cong du My Latinh hinh anh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến công du Mỹ Latinh, đưa ông cùng phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tới thăm Argentina, Chile và Brazil - 3 quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và là những đối tác rất tiềm năng của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Trả lời phỏng vấn của Hiệp hội các tờ báo Nam Mỹ (GDA), Thủ tướng Scholz nêu rõ Đức muốn tăng cường hợp tác với khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ hydro xanh và thương mại có trách nhiệm đối với nguyên liệu thô.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm cơ hội mới ở nước ngoài sau cú sốc kinh tế do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Trong chuyến công du này, Brazil là điểm đến thu hút nhiều sự chú ý của dư luận hơn cả. Thủ tướng Scholz sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva kể từ khi chính khách theo đường lối cánh tả này nhậm chức vào ngày đầu tiên của năm 2023.

[Đức đàm phán nhập khẩu khí đốt của Iraq để đa dạng hóa nguồn cung]

Một trong các chủ đề chính được thảo luận trong chuyến thăm sẽ là một thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Dù các bên đã đạt một thỏa thuận năm 2019 sau 20 năm đàm phán, nhưng văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn và đang đối mặt với một làn sóng chỉ trích tại châu Âu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh thái.

 

Tuy nhiên gần đây, Tổng thống Lula da Silva đã đề cập đến thúc đẩy nỗ lực này, khẳng định rằng việc ký kết thỏa thuận “có vai trò đặc biệt quan trọng và khẩn cấp." Thủ tướng Scholz bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm đạt thỏa thuận với các đối tác MERCOSUR.

Cùng với thương mại, môi trường cũng sẽ là một chủ đề trọng tâm trong các cuộc hội đàm tại Brazil. Sau khi ông Lula da Silva đắc cử tháng 10/2022, Berlin đã khẳng định sẵn sàng nối lại việc đóng góp cho một quỹ bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon.

Trước đó, Đức cùng với nhà tài trợ lớn nhất là Na Uy, đã ngừng đóng góp sau khi tình trạng phá rừng gia tăng dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)