Thủ tướng đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm cao mới

20:59 - 17/01/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông Âu, đặc biệt là với các nước bạn bè truyền thống như Ba Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Warsaw. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Warsaw. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17/1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.

Cùng dự có các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Ba Lan; đặc biệt có sự hiện diện của Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Wladyslaw Teofil Bartoszewski, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Warsaw Sambor Grucza; các giáo sư, giảng viên, các sinh viên trường Đại học Warsaw.

Đại học Tổng hợp Warsaw là một trong những trường đại học lâu đời và uy tín hàng đầu của châu Âu. Với bề dày truyền thống hơn 200 năm, trường đã đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, danh nhân kiệt xuất, trong đó có 2 tổng thống và 6 thủ tướng Ba Lan, 6 cựu sinh viên được trao giải thưởng Nobel vì những cống hiến nổi bật trên các lĩnh vực văn học, kinh tế và hòa bình.

Trường còn là biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Ba Lan trong lĩnh vực giáo dục. Hàng trăm sinh viên và cán bộ Việt Nam đã và đang theo học tại trường. Nhiều người ngày nay là những giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chuyến công tác này của Thủ tướng mang thông điệp của Việt Nam là hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm chiến lược, để làm sâu sắc hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn mối lương duyên giữa hai nước đã được xây dựng, vun đắp 75 năm qua.

Nhắc lại những vần thơ trong bài thơ “Việt Nam” của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska và bài thơ “Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan” của nhà thơ Tố Hữu, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam không bao giờ quên người lính Ba Lan Stefan Kubiak đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đã chiến đấu vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi và đặt tên Hồ Chí Toán, trở thành biểu tượng cho lòng yêu chuộng hòa bình, khát khao cống hiến và chiến đấu vì chính nghĩa, vì độc lập của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn khắc ghi và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Ba Lan dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Những ký ức về con tàu Kilinski đã đưa hàng chục nghìn người dân miền Nam Việt Nam ra tập kết ở miền Bắc sẽ mãi là minh chứng sống động cho tình cảm hữu nghị sắt son giữa nhân dân hai nước.

ttxvn-thu-tuong-dai-hoc-warsaw-4.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Warsaw. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Vui mừng thăm Ba Lan - quê hương của thiên tài âm nhạc Frederick Chopin, nhà hóa học Maria Curie, nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus; là cái nôi của nhiều kiệt tác văn học nghệ thuật và phát minh khoa học vĩ đại của nhân loại; là đất nước yêu chuộng hòa bình với nhiều di sản thế; nền hàng đầu khu vực, đứng thứ 6 ở Liên minh châu Âu (EU) và thứ 20 thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Ba Lan là mối lương duyên, không chỉ về chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, an ninh, quốc phòng mà còn là văn hóa, văn học, nghệ thuật…, đặc biệt là tình cảm, giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước.

Chia sẻ về tình hình thế giới và khu vực hiện nay, Thủ tướng cho rằng cục diện thế giới và hai khu vực đang trải qua những thay đổi sâu sắc, nhanh hơn và khó lường hơn. Về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.

Trong kỷ nguyên thông minh, thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.

Ba yếu tố tác động chủ đạo là: sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); tác động tiêu cực của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, già hóa dân số, tội phạm xuyên quốc gia...; xu hướng gia tăng phân tách, phân tuyến, phân cực trên một số lĩnh vực dưới tác động của cạnh tranh địa - chiến lược và địa - kinh tế trên toàn cầu.

Cùng với đó, có 3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong là: phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ...; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển AI, điện toán đám mây, Internet vạn vật...

thu-tuong-dai-hoc-warsaw-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Đại học Tổng hợp Warsaw. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những vấn đề trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới. Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu trong giải quyết những vấn đề này. Đi đôi với đó là coi trọng thời gian; phát huy trí tuệ và tính quyết đoán, quyết liệt, đúng thời điểm, đúng người, đúng việc.

Thủ tướng tin tưởng với việc phát huy các giá trị tương đồng về lịch sử, về sự trân quý độc lập, tự chủ, tự do và yêu chuộng hòa bình sau nhiều thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc; về lòng bác ái, yêu thương con người; tinh thần “đại đoàn kết dân tộc," hòa hiếu, nhân văn, Việt Nam và Ba Lan sẽ tiếp tục cùng nhau thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các quan tâm chung của khu vực và toàn cầu, trong đó có các vấn đề hòa bình-an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, với tinh thần thiện chí, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Chia sẻ về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển và tình hình phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nhất quán tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng là xây dựng nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Thông tin về các quan điểm và chính sách lớn, xuyên suốt, trọng tâm trong xây dựng đất nước, Thủ tướng cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược với 10 quốc gia, quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD; nằm trong top 33 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới; đã ký 17 hiệp định thương mại tự do; xếp thứ 44/132 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2025 và thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Về quan hệ Việt Nam-Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông Âu, đặc biệt là với các nước bạn bè truyền thống như Ba Lan.

Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong 75 năm qua, với thế và lực của mỗi nước đã được nâng cao trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm cao mới.

Thứ nhất, tạo đột phá trong việc nâng quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hướng đến Đối tác Chiến lược; thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, trao đổi đoàn cấp cao.

Thứ hai, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD/năm.

Là thành viên của Cộng đồng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hơn 660 triệu dân phát triển năng động, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ba Lan tiếp cận thị trường ASEAN.

Vì lợi ích của doanh nghiệp hai nước, hai bên cần phối hợp tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy các thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU. Thủ tướng đề nghị Ba Lan ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam.

Việt Nam cũng mong đón nhận nhiều nhà đầu tư Ba Lan vào các lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến nông sản và thực phẩm, chăn nuôi, y tế, dược phẩm, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ, logistics và hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tạo đột phá trong hợp tác thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới tiên tiến, hiện đại như “phương thức sản xuất số."

Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Ba Lan dành nhiều nguồn lực hơn cho hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng sạch, công nghệ mới, dữ liệu lớn, AI... và các công nghệ nền tảng như luyện kim, chế tạo máy…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Cơ chế tham vấn lao động mà hai nước vừa ký kết cùng với Thỏa thuận hợp tác về giáo dục ký trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội mới cho người lao động và thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận với tri thức và các kỹ năng khoa học công nghệ, chuyên môn cao, nhất là về chuyển đổi số.

Thứ tư, tạo đột phá trong giao lưu nhân dân. Việt Nam quyết định miễn thị thực đơn phương cho công dân Ba Lan mang hộ chiếu phổ thông trong năm 2025 (từ ngày 1/3/2025).

Thứ năm, tạo đột phá trong phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc; đóng góp chủ động, tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN. Việt Nam ủng hộ Ba Lan có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC) với ASEAN.

Thứ sáu, đổi mới và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng - an ninh bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.

Nhìn về tương lai, Thủ tướng tin tưởng Việt Nam và Ba Lan đang đứng trước những cơ hội lớn để đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, trở thành một điển hình về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

Nguồn: Thủ tướng đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm cao mới | Vietnam+ (VietnamPlus)