Bầu trời du lịch Việt liệu có tươi sáng hơn vào cuối Hè năm nay? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+
Khi vaccine phòng COVID-19 bắt đầu được phổ cập diện rộng hơn, một số quốc gia trên thế giới đã tính đến việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” nhằm giúp xóa bỏ rào cản đi lại trong khu vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có mở cửa du lịch trở lại. Quyết định này cũng sẽ góp phần để ngành “công nghiệp không khói” khởi sắc sau quãng thời gian dài “ngủ đông” đen tối.
Ở Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã yêu cầu triển khai thí điểm loại hộ chiếu mới này với khách quốc tế đến một số trung tâm có thể kiểm soát được bệnh dịch như Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Vậy các bộ, ban, ngành cần chuẩn bị lộ trình thế nào cho việc được coi là chìa khóa tái khởi động thị trường khách quốc tế sau thời gian dài phải “đóng băng” vì đại dịch?
Lập “hàng rào xanh”
Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng Bảy.
[Doanh nghiệp du lịch 'kêu cứu' trước chuỗi ngày ‘bão ở trong bão’]
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút nghiên cứu, chuẩn bị từng bước thí điểm, lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng “hộ chiếu vaccine” tạo điều kiện đón khách đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Bộ này cho rằng để thí điểm “hộ chiếu vaccine” thành công cần sự phối hợp của Bộ Y tế trong việc xây dựng bộ công cụ kiểm soát du khách nhập cảnh. Theo đó, khách đến Việt Nam phải đảm bảo đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2; cam kết tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và chỉ ở trong giới hạn của phạm vi điểm đến đã đăng ký với nhà chức trách.
"Hộ chiếu COVID-19" có thực sự hiệu quả?
Song, để có thể giải “bài toán” nêu trên, lãnh đạo bộ cho rằng cần thiết phải có bộ công cụ quản lý du khách, tạm gọi là "hàng rào xanh" và khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian thí điểm chỉ được ở trong phạm vi này.
Trước kiến nghị thí điểm nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết đón khách du lịch ở huyện đảo Phú Quốc. Việc phục hồi mũi nhọn kinh tế xanh tại Phú Quốc sẽ đóng góp vào ngân sách, đóng góp nguồn lực để vừa chống dịch vừa phát triển xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Dự kiến, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine COVID-19 đến Phú Quốc và tiêm vaccine cho người dân tại đây. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mọi phương án tổ chức cần phải có kế hoạch tốt.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh mọi công tác chuẩn bị cho chủ trương thí điểm đón khách du lịch tại Phú Quốc nói riêng và công tác phòng chống COVID-19 nói chung trên địa bàn cần thực hiện nghiêm theo Thông báo 167/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19.
Thử nghiệm du lịch cách ly khép kín
Theo đại diện tỉnh Kiên Giang, từ khi đại dịch bùng phát đến nay, địa phương đã thực hiện quyết liệt những chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và sự hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Mặc dù COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tốt nhưng du lịch Phú Quốc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2020, tổng lượng du khách đến đảo Ngọc giảm 30,6%, khách du lịch quốc tế giảm 76,1% so với năm 2019.
(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Để từng bước khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn địa phương, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị cho phép thí điểm đón khách du lịch Nga đã được tiêm vaccine COVID-19 đến Phú Quốc nghỉ dưỡng theo mô hình “du lịch cách ly khép kín” thông qua các chuyến bay thuê bao, nghỉ tại một địa điểm được lựa chọn, hạn chế di chuyển.
Sau khi thí điểm thành công, ngành du lịch sẽ tiến hành đánh giá và tính toán việc cho phép mở rộng đón du khách từ các nước đã hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19.
Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên đảo và nhân viên phục vụ tại các khu, điểm du lịch, lãnh đạo địa phương kiến nghị cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ cư dân Phú Quốc. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp nếu có.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho hay Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 toàn dân cho thành phố Phú Quốc, trong đó dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2021 là 220.000 liều, thời gian triển khai kế hoạch trong 16-18 tuần ngay khi có nguồn vaccine.
Với thử nghiệm du lịch cách ly, các chuyên gia cho rằng sẽ còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, kế hoạch muốn nhanh chóng được triển khai cần sự chung tay phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và tinh thần tích cực hành động để du lịch Việt sớm có cơ hội phục hồi./.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Mai Mai (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thu-nghiem-cac-tour-cach-ly-khep-kin-co-giup-pha-bang-du-lich/724039.vnp