Thu hẹp khoảng cách đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới qua nền tảng số

10:48 - 04/05/2024

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nay đã có 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến.

Giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Alibaba tăng thêm số lượng doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử lên 300 đơn vị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận hàng triệu khách hàng trên thế giới thông qua mạng lưới khách hàng rộng lớn của Alibaba.com.

Từ đó, tạo điều kiện cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên số của thương mại và kinh doanh, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến nay đã có 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến.

Việc này giúp doanh nghiệp đa dạng kênh và cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian, giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng và thiết lập văn phòng đại diện tại thị trường mục tiêu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu bởi việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn cũng như tối ưu nguồn lực. Đây cũng là kênh hữu hiệu giúp hàng nghìn doanh nghiệp chuyển mình thích ứng với phương thức kinh doanh mới.

Với nhận định thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách đưa hàng Việt ra thế giới qua nền tảng số.

Vài năm trở lại đây, có thể dễ dàng nhận thấy rằng hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới.

Việc áp dụng khoa học-công nghệ hiện đại đã giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) năm 2023 đạt gần 500 nghìn tỷ đồng và dự báo sẽ đạt gần 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

 
0405Alibaba.jpg
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Alibaba tăng thêm số lượng doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử lên 300 đơn vị. (Nguồn: turkiye newspaper)

Nhận định từ giới phân tích cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới là xu thế tất yếu, là phương thức đa dạng hoá kênh và cách thức để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và đơn hàng nhanh chóng.

Cùng đó là việc tiếp cận tới mọi thị trường, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả với khả năng lợi nhuận cao và là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới. Đặc biệt, với những lợi thế sẵn có như chính sách quốc gia hỗ trợ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để xuất khẩu trực tuyến bật tăng.

Ông Đoàn Quốc Tâm - Trưởng ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu, từ đó mở rộng phạm vi tiêu thụ của sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt còn có ưu thế cạnh tranh về giá cả, chủng loại sản phẩm và mẫu mã cũng như ứng dụng xu hướng mới để tạo ra sản phẩm đa dạng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Hiệp hội đang hỗ trợ và đồng hành cùng sở, ban ngành, địa phương tổ chức các chương trình triển lãm trực tuyến và liên kết vùng. Từ đó, kết nối và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận nhà phân phối trong ngoài nước và tiến hành đánh giá thị trường qua kênh online,” ông Đoàn Quốc Tâm bày tỏ.

Xác định kinh doanh theo hướng truyền thống nhiều khó khăn, ông Lê Nguyễn Khánh Trình - Giám đốc Công ty cổ phần Khánh Trình cho biết, ngay từ sớm công ty đã tìm hiểu và chuyển thêm hướng kinh doanh qua thương mại điện tử.

Chính vì vậy, từ những năm 2010 sản phẩm xà đơn của công ty đã được lựa chọn qua sàn thương mại điện tử Alibaba.

Sau những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu do sản phẩm đặc thù và chưa có thương hiệu, đến nay sau nhiều nỗ lực công ty đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Cũng nhờ đó, sản phẩm của công ty đã được đưa đến tay khách hàng trên 70 nước trên thế giới và đạt doanh thu từ 3-4 triệu USD/năm.

Theo đánh giá của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng Amazon (Amazon Global Selling), Việt Nam là một nền kinh tế năng động dựa vào xuất khẩu.

Đồng thời, kết hợp lợi thế trong việc sáng tạo sản phẩm, năng lực sản xuất và chuyển đổi số mạnh mẽ, có khả năng thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua thương mại điện tử một cách hiệu quả.

Đặc biệt, sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Qua đó, hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu với Amazon; số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới, việc mua sắm sản phẩm từ nước ngoài đã trở nên phổ biến và thuận tiện hơn.

Cùng đó, dịch vụ vận chuyển quốc tế đã phát triển mạnh mẽ, giúp hỗ trợ quá trình vận chuyển và nhận hàng thuận lợi. Thông qua sàn thương mại điện tử như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global… người tiêu dùng trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ nhà bán hàng Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng lớn trong và ngoài nước giúp mở rộng quy mô kinh doanh và tăng doanh thu.

 

Hơn nữa, thương mại điện tử xuyên biên giới cho phép doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp cận thị trường quốc tế. Thế nhưng, thương mại điện tử cũng đem lại những rào cản về hạ tầng công nghệ, thủ tục hải quan còn rườm rà, quy định về nhập khẩu và xuất khẩu. Đi liền đó là hạn chế về vận chuyển quốc tế liên quan đến cơ sở hạ tầng, giá cước vận tải, rào cản ngôn ngữ, cạnh tranh về giá cả, uy tín thương hiệu... cũng gây hạn chế không nhỏ cho doanh nghiệp.

Để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Cục đã và đang triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn); mô hình Flagship Store (Gian hàng địa phương trên sàn thương mại điện tử); chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Việc này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới./.

Nguồn: Thu hẹp khoảng cách đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới qua nền tảng số | Vietnam+ (VietnamPlus)