Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm là do diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.
Đây là nội dung được Thống đốc trả lời khi cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ.
Từ đó, giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường; góp phần đảm bảo dự trữ xăng dầu, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
[Yêu cầu đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay cho doanh nghiệp xăng dầu]
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết xác định xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng.
Đặc biệt từ tháng 3/2022, trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cùng với đó, tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang có quan hệ cấp tín dụng để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chủ động có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn vay, ngoại tệ trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, quy định về cấp tín dụng; bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được giao.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hầu hết các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối với lãi suất ưu đãi và cung đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Cụ thể theo số liệu báo cáo của 27 ngân hàng thương mại đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng (khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp).
Mức lãi suất các ngân hàng thương mại cấp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thường có ưu đãi so với thị trường, mức cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3%-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 9,4% đến 10,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 2,1%-4,5%/năm.
Do đó, Thống đốc khẳng định qua theo dõi và nắm bắt tình hình cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm là do diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp… (vướng mắc này hiện đang được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP) chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại./.