Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

21:10 - 20/09/2024

Ban Chấp hành Trung ương xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9 tại Thủ đô Hà Nội.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; Báo cáo Tổng kết thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031; bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031; Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025-2027; chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc Hội nghị.

1. Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

1.1. Về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng

Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, cơ bản tán thành kết cấu và những nội dung chính của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV; phân tích, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV; khẳng định Dự thảo Báo cáo chính trị có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất Cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới; đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

TTXVN_2009 Hoi nghi Ban Chap hanh Trung uong 17.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng với ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đạt được những thành tựu, kết quả nổi bật: (1) Phát triển kinh tế cơ bản hoàn thành những mục tiêu chủ yếu, quan trọng. (2) Phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ. (3) Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng tầm. (4) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đồng bộ, trong sạch, vững mạnh toàn diện; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ban Chấp hành Trung ương xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người và khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tạo tiền đề vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới vì một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1.2. Về Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá Dự thảo Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, toàn diện, khá sâu sắc; thể hiện được những vấn đề mới có tính lý luận rút ra từ thực tiễn. Đây là Báo cáo rất quan trọng góp phần hoàn thiện lý luận của Đảng ta về đổi mới, phát triển đất nước trong 40 năm qua; từ đó tiến hành xây dựng phương hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong 40 năm xây dựng, phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, những vấn đề khó khăn đặt ra cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ban Chấp hành Trung ương đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, trong đó, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến đánh giá về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta trong 6 lĩnh vực: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng, lý luận “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về sự sáng tạo, đột phá lý luận trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về văn hóa, xã hội và con người; về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

TTXVN_2009 Hoi nghi Ban Chap hanh Trung uong 13.jpg
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

1.3. Về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng

Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Điều lệ Đảng hiện hành đã được thi hành 3 nhiệm kỳ; cơ bản các nội dung của Điều lệ Đảng hiện hành phù hợp thực tiễn; các quy định, hướng dẫn của Trung ương cụ thể, thuận lợi trong thi hành, qua đó bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương chưa bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIV; trên cơ sở tổng kết công tác thi hành Điều lệ Đảng, đề nghị Đại hội XIV giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng ngay từ đầu nhiệm kỳ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng vào thời điểm phù hợp.

1.4. Về Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030

Ban Chấp hành Trung ương nhận định 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về phát triển hạ tầng. Phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều mặt tiến bộ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao.

Về những hạn chế, yếu kém, Ban Chấp hành Trung ương thẳng thắn chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt chưa cao…

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những kết quả, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình trong nước, quốc tế những năm tới, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

TTXVN_2009 Hoi nghi Ban Chap hanh Trung uong 10.jpg
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ban Chấp hành Trung ương thông qua nội dung cơ bản các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV (nêu trên); giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo các Tiểu ban hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trên để lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

2. Về Báo cáo Tổng kết thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành và thống nhất thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng đúng thời điểm, đã kịp thời cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Đảng về công tác bầu cử, tháo gỡ những vướng mắc, phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Về cơ bản, hầu hết các nội dung của Quy chế bầu cử trong Đảng vẫn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất bổ sung, sửa đổi một số nội dung nhằm làm rõ hơn, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bố cục hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện.

3. Về dự thảo Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031; bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá, trong bối cảnh, tình hình có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng Đại hội XIII của Đảng đã bầu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cơ bản bảo đảm chất lượng, có số lượng, cơ cấu tương đối phù hợp theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, phát triển liên tục đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng; góp phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực; nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc hệ trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trên cơ sở thảo luận dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, yêu cầu công tác nhân sự Đại hội XIV, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt, ban hành thực hiện.

TTXVN_2009 Hoi nghi Ban Chap hanh Trung uong 17.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

4. Về dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025-2027

Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với Dự thảo Tờ trình và các báo cáo do Ban cán sự đảng Chính phủ trình; ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, phân tích, làm sâu sắc thêm những kết quả đã đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn và nguyên nhân, phân tích sâu về bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025-2027.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự kiến khó đạt và đạt cao hơn đối với các chỉ tiêu dự kiến đạt kế hoạch 5 năm 2021-2025, làm cơ sở tạo đà cho nhiệm kỳ mới.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh ban hành Kết luận; chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh các Báo cáo, trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

5. Về chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc-Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc-Nam. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.

6. Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện Đề án trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.

7. Ban Chấp hành Trung ương thông qua Báo cáo của Bộ Chính trị về những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 9 đến Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị lần thứ 10 đến Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2023.

8. Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, gồm: Đồng chí Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa và đồng chí Đinh Văn Cường, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ, sớm ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, tăng tốc về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng./.

Nguồn: Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII | Vietnam+ (VietnamPlus)