Ngày 1/12, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết dự báo trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 31/12, không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất; trên phạm vi toàn quốc sẽ tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Thông tin cụ thể, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa cho hay trong thời gian trên bão hoặc áp thấp nhiệt đới vẫn có khả năng xuất hiện trên Biển Đông, gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải, đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân và trên đất liền.
Cũng trong thời kỳ tháng 12, nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Riêng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C.
Với xu thế nhiệt độ trên, chuyên gia Nguyễn Đức Hòa nhận định không khí lạnh trong tháng 12 tiếp tục gia tăng về tần suất, tuy nhiên cường độ các đợt không khí lạnh có xu hướng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Về xu thế mưa, dự báo trong tháng 12, các đợt mưa vừa, mưa to vẫn tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Trung Bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ mưa giảm, tuy nhiên vẫn cần đề phòng có ngày xuất hiện mưa rào và dông.
“Đáng chú ý, mặc dù thời kỳ này là thời điểm cuối của mùa mưa tại khu vực Trung Bộ, tuy nhiên các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của các hình thế thời tiết như không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao sẽ vẫn còn xảy ra trên khu vực, cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực,” ông Hòa lưu ý.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời kỳ tháng 12/2023, tổng lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50mm, một số nơi phía Tây Bắc Bộ cao hơn trên 50mm; khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15-30mm, có nơi cao hơn; khu vực Trung và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 40-70mm, có nơi thấp hơn; khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-20mm; tại khu vực Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 5-15mm.
“Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh,” ông Hòa nhấn mạnh./.