Thoi tiet cuc doan: San sang cac kich ban cung ung dien mua nang, nong hinh anh 1Nhân viên EVNHANOI bảo dưỡng đường dây, sẵn sàng cho việc cung ứng điện các tháng mùa khô. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế có những dấu hiệu phục hồi và tăng tốc. Để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô thì bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước và ngành điện là không hề đơn giản.

Nhu cầu điện tăng trở lại

Thống kê của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) trong quý 1/2022 cho thấy mặc dù chưa bước vào mùa nắng, nóng nhưng thành phố đã ghi nhận sản lượng lớn nhất đạt 62,255 triệu kWh ngày 22/2 (tăng 19% so với tháng 2/2021); công suất đỉnh đạt 4.120 MW lúc 18h ngày 22/2 (tăng 20,1% so với tháng 2/2021).

[EVNHANOI đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo cấp điện cao điểm Hè]

Sang tháng Tư, dù thời tiết tại Hà Nội dịu mát hơn các tháng cùng kỳ năm trước, song mức tiêu thụ điện vẫn ghi nhận mức tăng cao. Đại diện Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết sản lượng điện thương phẩm tháng 4/2022 đạt 1.660,79 triệu kWh, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 6.292,17 triệu kWh tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, lượng điện tiêu thụ lớn nhất (Apmax) là 65,588 triệu kWh vào ngày 27/4 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021; Công suất của hệ thống điện lớn nhất (Pmax) là 3.756 MW vào lúc 18h ngày 26/4 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều này đặt ra áp lực cho việc cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô, nhất là vào những thời điểm nắng, nóng cực đoan.

Chia sẻ về vấn đề tiêu thụ điện, ông Hoàng Minh Thủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông - trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, cho biết thời tiết nắng, nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến, nhất là sử dụng điện cho các thiết bị làm mát.

Thực tế, năm 2021, khi mới vào đầu mùa Hè (cuối tháng Tư), sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn quận đã tăng lên mức kỷ lục, đạt tới hơn 3 triệu kWh/ngày. Tiếp đó, vào các tháng nắng, nóng cao điểm, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng đột biến nên hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng mạnh.

Đáng chú ý, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong các tháng 6-7/2022 có thể có nhiều đợt nắng nóng, từ đó làm tăng nhu cầu sử dụng điện, gây quá tải cho hệ thống điện của thành phố.

Ứng trực 24/24 giờ để xử lý các sự cố

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện của miền Bắc hiện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

 

Với tình hình thực tế của năm 2022, nguồn điện mới ở miền Bắc dự kiến đưa vào vận hành ít, các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống.

Trong khi đó, tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Phía ngành điện tính toán hệ thống điện miền Bắc tiềm ẩn nguy cơ thiếu công suất đỉnh trong một số thời điểm nhất định các tháng cuối mùa khô.

Vì vậy, để đảm bảo điện cho tăng trưởng phụ tải được dự báo, EVN đã xây dựng giải pháp tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất vào cuối năm, nhất là các hồ khu vực miền Bắc, điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô năm 2022 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.

Ngoài ra, các đơn vị cũng bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7/2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.

- Nhập khẩu điện trong quý 1/2022:

Đối với các tháng cao điểm nắng-nóng, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), các nhà máy điện thuộc tập đoàn đồng thời đề nghị đối tác, nhà máy điện BOT, nhà máy điện lọc dầu rà soát, đảm bảo việc sửa chữa xong trong quý 1/2022 để đảm bảo lượng điện cho tiêu dùng, sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị cũng cần rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý 1/2022.

Ngoài ra, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, EVN cũng xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện; trong đó kịch bản 1 ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh và kịch bản 2 - ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc như: Tăng cường hệ thống truyền tải Bắc-Nam, đảm bảo hành lang tuyến không để xảy ra sự cố về điện trong mùa nắng nóng; đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

"Giữa tháng Tư vừa qua, EVN đã hoàn thành đường dây 220kV nối lưới với nước bạn Lào; với các dự án nối lưới với Trung Quốc, tăng cường giải tỏa công suất để nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc," ông Võ Quang Lâm thông tin thêm.

Riêng địa bàn Hà Nội, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết ngay từ đầu năm, EVNHANOI đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, các công ty điện lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, bổ sung các trạm biến áp  110kV, 220kV trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất của khách hàng.

Ngành điện Thủ đô cũng đầu tư các trạm biến áp được xây dựng mới với công nghệ hiện đại cùng hệ thống điều khiển từ xa và không có người trực. Các công ty Điện lực tăng cường rà soát phát hiện thay thế, bổ sung một số tuyến đường dây đã cũ, thi công, đấu nối, lắp đặt các thiết bị điện như: Đường dây, trạm biến áp để phục vụ đảm bảo điện mùa hè góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định cho mùa Hè 2022.

Bên cạnh đó, EVNHANOI đã kiểm tra, rà soát tình trạng vận hành, mang tải của các thiết bị, đường dây đồng thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, đường dây lưới điện; thực hiện rà soát, cập nhập, tiến hành phân tích đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực. Từ đó, tổng công ty có thể dự báo phụ tải sát với thực tế, xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện ứng với kịch bản phụ tải cực đoan nhất (những ngày nắng nóng đột biến) và ứng phó một cách chủ động với các kịch bản có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục trong mọi tình huống.

“EVNHANOI sẽ tăng cường công tác ứng trực với hàng nghìn ca trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các sự cố về điện trên địa bàn thành phố,” đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho hay./.

Đức Duy (Vietnam+)