Thi truong tai chinh quan ngai truoc them cuoc hop chinh sach cua BoJ hinh anh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang khiến thị trường tài chính quan ngại về những động thái tiềm tàng tiếp theo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ thứ Ba (17/1) sau quyết định bất ngờ tăng trần lãi suất dài hạn vào tháng trước.

BoJ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình một lần nữa sau động thái hồi tháng 12/2022 khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng đột biến.

Một số nhà phân tích cho biết BoJ dự kiến sẽ không đưa ra chính sách thay đổi nào trong lần họp này sau khi mở rộng phạm vi giao dịch cho lợi suất 10 năm lên âm 0,5% và 0,5% vào tháng 12/2022 từ mức âm 0,25% và 0,25% trước đó.

[Nhật Bản: BoJ có thể nâng dự báo về chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt]

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã vượt mức trần được thiết lập gần đây trước thềm cuộc họp chính sách, thúc đẩy BoJ mua trái phiếu.

BoJ đã mua khoảng 17.000 tỷ yen (132 tỷ USD) trái phiếu chính phủ cho đến tháng 1/2023, đạt mức cao kỷ lục hàng tháng.

Tính đến tháng 12/2022, BoJ là một ngoại lệ khi các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng.

BOJ đưa ra quan điểm rằng Nhật Bản cũng đã trải qua lạm phát gia tăng nhưng phần lớn là do chi phí nhập khẩu tăng cao và sẽ không kéo dài. Nhưng người tiêu dùng đang cảm thấy cuộc sống khó khăn khi giá cả tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi trong năm tài chính 2022 dự đoán sẽ tăng 2,9% so với năm trước đó và tăng 1,6% trong cả năm tài chính 2023 và 2024./.

Vân Anh (TTXVN/Vietnam+)