Thị trường dầu mỏ phản ứng tích cực với quyết định sản lượng của OPEC+
12:16 - 05/12/2022
Thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng tích cực với quyết định giữ nguyên sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là (OPEC+).
Quyết định của OPEC+
Tại cuộc họp ở Vienna, Áo, ngày 4/12, Bộ trưởng các nước thành viên OPEC+ đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu, sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait khẳng định các quyết định của OPEC+ đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này.
Trước đó vào tháng Mười, OPEC+ đã khiến Mỹ và các quốc gia phương Tây khác quan ngại với quyết định cắt giảm sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, OPEC+ lập luận rằng nguyên nhân khiến họ cắt giảm sản lượng là bởi vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Kể từ cuộc họp tháng Mười của OPEC+, giá dầu đã giảm mạnh xuống mức hồi đầu năm 2022 và cách khá xa mức đỉnh trên 130 USD/thùng ghi nhận vào tháng Ba, sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
[OPEC và đối tác nhất trí giữ nguyên chỉ tiêu sản lượng dầu mỏ]
Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) công bố ngày 30/11 cho thấy sản lượng dầu của OPEC đã giảm trong tháng 11/2022, sau khi OPEC+ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.
Theo khảo sát, OPEC đã "bơm" 29,01 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022, giảm 710.000 thùng/ngày so với tháng 10/2022. Trước đó, vào tháng 9/2022, sản lượng dầu của OPEC đạt 29,81 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Trong số các quốc gia thành viên OPEC, Saudi Arabia giảm sản lượng mạnh nhất, với mức giảm 500.000 thùng/ngày so với tháng Mười, đúng theo cam kết đưa ra. Tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.
Trong khi đó, mức cắt giảm sản lượng của Algeria tương đương 50% mức cam kết. Với Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC vốn đang kêu gọi nâng hạn ngạch sản lượng dầu mỏ, sản lượng hầu như không giảm trong tháng 11/2022.
Phản ứng của thị trường dầu
Trong phiên giao dịch sáng 5/12, giá dầu tại thị trường châu Á tăng 2%. Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,84 USD (2,2%) lên 87,41 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (2%) lên 81,62 USD/thùng.
Các nhà phân tích nhận định quyết định của OPEC+ đã nằm trong dự đoán của thị trường, khi các nhà sản xuất dầu lớn đều đang chờ đợi tác động của lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và chính sách áp giá trần 60 USD/thùng của G7 đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trong khi đó, Nga đã cảnh báo cắt giảm nguồn cung đối với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ chính sách áp giá trần.
Các nhà phân tích của ANZ Research nhận định quyết định của OPEC+ phản ánh tình trạng khó đoán trước của cung và cầu trong những tháng tới. Phó Chủ tịch công ty tư vấn Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh, bà Ann-Louise Hittle, nhận định EU sẽ cần thay thế dầu thô của Nga bằng dầu từ Trung Đông, Tây Phi và Mỹ.
Tuy nhiên, bà Ann-Louise Hittle lưu ý giá dầu vẫn đang chịu sức ép trước triển vọng tăng trưởng nhu cầu giảm tốc, bất chấp các lệnh trừng phạt bổ sung của phương Tây đối với lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Theo bà Ann-Louise Hittle, lệnh cấm nhập khẩu dầu và chính sách áp giá trần là nhân tố hỗ trợ tạm thời đối với giá dầu.
Theo các chuyên gia, bên cạnh chính sách sản lượng của OPEC+ và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga, thị trường “vàng đen” còn chịu tác động từ chính sách kiểm soát dịch COVID của Trung Quốc.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 vào cuối tuần qua. Đây là tín hiệu tích cực đối với giá dầu./.