Sau một năm thí điểm cân tải trọng tự động tại 3 vị trí trên các tuyến đường trọng yếu, tình trạng xe ôtô vi phạm quá tải trọng giảm hơn 90%.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị hoàn thiện quy chuẩn để mở rộng phạm vi áp dụng thiết bị cân tải trọng tự động xử phạt xe quá tải.
Từ cuối tháng 11/2023, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động để xử lý vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng xe ôtô khi xe, người lái xe, chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm.
Việc thí điểm được thực hiện tại 3 trạm cân: Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 (khu vực cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7), hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi Quận 7; Trạm kiểm tra trọng xe số 6 và số 7 (khu vực Trạm thu phí An Sương-An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1, quận Bình Tân).
Qua 1 năm thí điểm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 4.171 phiếu cân quá tải trọng; trong đó số phải xử lý vi phạm là 3.170 phiếu, còn lại chưa đến mức xử lý vi phạm.
Trên cơ sở đó, đã có hơn 2.000 quyết định xử phạt được cơ quan chức năng ban hành, với số tiền gần 48 tỷ đồng. Hiện đã có 1.687 trường hợp thi hành quyết định xử phạt, với số tiền 37,5 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, so với cùng kỳ khi chưa triển khai thí điểm, số trường hợp vi phạm được Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị sử dụng Hệ thống thiết bị kiểm tra tải trọng phát hiện và ghi nhận qua thiết bị cân giảm từ 61.302 trường hợp xuống còn 4.347 trường hợp (giảm 92,91%).
Trước đó, giai đoạn sơ kết 6 tháng thí điểm, tỷ lệ giảm số trường hợp vi phạm là 90,98%.
Điều này cho thấy, quá trình thí điểm đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp nâng cao ý thức của chủ xe, lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa.
“Việc xử lý qua cân tự động giúp loại bỏ yếu tố can thiệp của con người, phòng ngừa vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm tải trọng xe; đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng trong xử lý vi phạm hành chính, khắc phục tình trạng dừng nhiều phương tiện để kiểm tra, xử lý,” Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Dù vậy, quá trình thí điểm cũng gặp nhiều khó khăn như việc xác minh chủ phương tiện không đồng ý kết quả phiếu cân, nhất là ở các tỉnh, thành phố khác kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc xử lý.
Một số trường hợp, dữ liệu trên hệ thống đăng kiểm chưa cập nhật kịp thời phương tiện sau khi hoán cải, dẫn đến hệ thống cân xác định tỷ lệ vi phạm quá tải không chính xác.
Do không đầy đủ thông tin chủ phương tiện, một số thông báo phát hành không đến được chủ phương tiện.
Cùng với đó, nhiều người điều khiển phương tiện cố tình chạy chèn lấn dải phân cách để làm sai lệch kết quả cân tải trọng tự động; lưu thông vào phần đường hỗn hợp, đường nhánh để tránh trạm cân.
Từ kết quả thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm cập nhật và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình kiểm soát tải trọng xe nhằm hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng phạm vi áp dụng thiết bị cân tải trọng tự động để xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Giao thông Vận tải xem xét liên kết dữ liệu đăng kiểm với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử nhằm đảm bảo gửi thông báo xử lý vi phạm đến được chủ phương tiện đúng thời gian; chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý, chia sẻ dữ liệu Cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng để phối hợp kiểm tra, xử lý.
Ở giai đoạn trước mắt, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho gia hạn thời gian triển khai xử phạt thông qua sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động đến hết ngày 31/12/2024.
Sở sẽ chủ trì cùng với Công an Thành phố và đơn vị liên quan thống nhất phương án phối hợp xử lý vi phạm tải trọng trên địa bàn từ 1/1/2025, nhằm đảm bảo phù hợp với các luật liên quan./.
Nguồn: Thí điểm cân tải trọng tự động tại TP Hồ Chí Minh giúp giảm vi phạm 90% | Vietnam+ (VietnamPlus)