Thể thao Việt Nam sẵn sàng hướng tới ASIAD 19 với quyết tâm cao nhất

22:33 - 18/09/2023

Chỉ tiêu đặt ra của Đoàn Thể thao Việt Nam là giành được từ 2-5 huy chương Vàng bởi ở đấu trường ASIAD 19, thể thao Việt Nam phải thi đấu với những đối thủ ở trình độ rất cao.

The thao Viet Nam san sang huong toi ASIAD 19 voi quyet tam cao nhat hinh anh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) ở Hàng Châu, Trung Quốc sẽ chính thức khai mạc.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Hà Việt đã có buổi trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về công tác chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Đại hội lần này.

- Là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, ông có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam ở kỳ Đại hội lần này ?

Cục trưởng Đặng Hà Việt: Sau thời gian chuẩn bị tích cực, nghiêm túc, Đoàn Thể thao Việt Nam đã tự tin, sẵn sàng tham dự ASIAD 19 với tinh thần quyết tâm cao nhất. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành thể dục thể thao trong năm 2023.

Ngay từ đầu năm, Cục Thể dục Thể thao đã phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia chỉ đạo bộ môn sớm triệu tập vận động viên lên tuyển quốc gia tập luyện. Trong đó, một số vận động viên thi đấu thành công, đạt thành tích tại SEA Games 32 vừa qua, đặc biệt ở những nhóm thể thao Olympic và ASIAD vẫn tiếp tục quá trình tập luyện nâng cao hướng đến đấu trường châu lục.

Hiện tại, các vận động viên đều đảm bảo về sức khỏe, chuyên môn cùng tinh thần thoải mái, ý chí quyết tâm.

Kết quả ở SEA Games 32 là bước đệm quan trọng, tạo lực đẩy giúp vận động viên tiếp tục giữ vững, phát huy tốt hơn nữa trình độ chuyên môn ở đấu trường châu lục lần này.

Ngành đã tuyển chọn, phân chia nhóm môn để tập trung đầu tư, cử các vận động viên xuất sắc đi tập huấn nước ngoài, thi đấu các giải trong nước, quốc tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, tâm lý cho vận động viên trước kỳ đại hội thể thao lớn.

Mỗi thành viên trong Đoàn khi tham dự ASIAD 19 đều thấy rõ vinh dự, trách nhiệm cũng như khát vọng cống hiến vì vinh quang và màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Ngoài việc thi đấu giành thành tích tốt nhất, chúng ta sẽ luôn cố gắng nỗ lực để góp phần giữ vững và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác, phát triển với các quốc gia trong châu lục.

- Việc đặt ra mục tiêu giành từ 2-5 Huy chương Vàng tại ASIAD 19 của Việt Nam xuất phát từ căn cứ nào, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Đặng Hà Việt: Chỉ tiêu đặt ra của Đoàn là giành được từ 2-5 Huy chương Vàng bởi ở đấu trường ASIAD 19, thể thao Việt Nam phải thi đấu với những đối thủ ở trình độ rất cao đến từ các quốc gia hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc hay chủ nhà Trung Quốc.

Việt Nam mới đạt được thành tích tốt và khẳng định được vị thế trong khu vực Đông Nam Á còn ở ASIAD chúng ta vẫn còn khoảng cách (ở những nhóm môn Olympic), đặc biệt là ở những môn thể thao có tính chính xác cao như bắn cung, bắn súng. Đây là những môn thể thao đòi hỏi sự tập trung rất cao ở mỗi vận động viên.

The thao Viet Nam san sang huong toi ASIAD 19 voi quyet tam cao nhat hinh anh 2Vận động viên Bạc Thị Khiêm (môn Taekwondo) thay mặt cho các vận động viên tham dự ASIAD 19 đọc Lời Tuyên thệ tại Lễ Xuất quân. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đối với những môn thể thao mang tính chất đối kháng như võ thuật (vốn là thế mạnh của Thể thao Việt Nam), hiện nay trình độ của võ sỹ Việt Nam cũng chưa hơn hẳn các quốc gia trong khu vực và châu Á; tập trung chủ yếu ở các hạng cân nhỏ 46-55kg.

Những môn kết quả được tính chính xác bằng thời gian như điền kinh, bơi, đua thuyền... hiện thể thao Việt Nam đặt hy vọng vào nội dung 4x400m tiếp sức nữ (điền kinh).

Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh dù là "tượng đài" ở Đông Nam Á (với thành tích 4 phút 12 giây ở cự ly chạy 1.500m), nhưng muốn giành huy chương ASIAD thì thành tích phải dưới 4 phút.

Do vậy, biên độ chỉ tiêu từ 2-5 huy chương Vàng tại ASIAD 19 của Đoàn Thể thao Việt Nam là hợp lý.

Bên cạnh đó, ngoài những môn thể thao trọng điểm, lần này Việt Nam cũng tham dự với những môn thể thao mới như E-Sports, Soft tennis, Breaking... Đây là cơ hội để hội nhập, học hỏi với thể thao châu Á.

Chúng ta đóng góp vào các hoạt động chung của thể thao châu Á, từ đó hướng tới quảng bá, vận động môn thể thao mang tính đặc trưng như Vovinam, để có cơ hội đưa bộ môn thể thao này vào chương trình thi đấu ASIAD.

Có thể nói, ASIAD 18 là Đại hội thành công nhất của Thể thao Việt Nam với 4 huy chương Vàng ở các môn: Đua thuyền Rowing chèo 4 người thuyền nhẹ (Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo), Điền kinh, Nhảy xa Nữ (Bùi Thị Thu Thảo), Pencak silat Nguyễn Văn Trí, hạng cân 90-95kg và Trần Đình Nam, hạng cân 70-75kg) và sau đó có thêm 1 huy chương Vàng ở cự ly Chạy 400m Rào của vận động viên Quách Thị Lan được đôn lên (do vận động viên giành Huy chương Vàng dương tính với doping).

Nhưng những tấm huy chương Vàng ở kỳ ASIAD 18 của Đoàn Thể thao Việt Nam hầu hết đều không có trong chương trình thi đấu lần này, vì thế áp lực về thành tích tại ASIAD 19 là rất lớn.

Nội dung nhảy xa vẫn được đưa vào thi đấu ở ASIAD 19 thì vận động viên Bùi Thị Thu Thảo - người giành huy chương Vàng ASIAD 18 nay đã lớn tuổi, những vận động viên kế cận vẫn chưa thể hiện được khả năng thay thế.

Do đó, để hoàn thành được mục tiêu đặt ra, giới chuyên môn phải tính toán rất kỹ để tìm cơ hội giành Vàng ở những môn thể thao khác giàu tiềm năng như Boxing, Cầu mây, Bắn súng, Karate...

Tuy nhiên, do vận động viên đỉnh cao ở từng môn hạn chế nên nhiều gương mặt sẽ phải cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép vừa thi đấu ASIAD 19 nhưng vẫn tham dự các giải đấu thế giới, tìm cơ hội giành vé tham dự Olympic Paris 2024 (nếu lịch thi đấu của các giải đấu này không bị trùng nhau).

Việc thi đấu ở cấp độ châu lục và thế giới sẽ rất hữu ích cho vận động viên học hỏi, duy trì, phát triển trình độ đạt được kết quả tốt nhất và sẽ thuận lợi nếu biết tính toán kỹ, chiến thuật tốt trong thi đấu ở từng giải.

- Công tác phòng, chống doping tại ASIAD 19 của Đoàn Thể thao Việt Nam được thực hiện thế nào thưa ông?

Cục trưởng Đặng Hà Việt: Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu mà chúng ta lúc nào cũng đặc biệt lưu tâm.

Đối với Thể thao Việt Nam, vấn đề này được thực hiện thường xuyên tại các trung tâm uấn luyện ở 63 tỉnh, thành phố thông qua các khóa học tập huấn, buổi chuyên đề tuyên truyền cho vận động viên. Tuy nhiên, doping là một vấn đề rất khó kiểm soát.

Hiện thực phẩm chức năng, chất bổ sung được bán tràn lan bên ngoài.

Dư lượng kháng sinh và hormone tăng trưởng có nhiều trong các loại thực phẩm trên thị trường.

Nếu vận động viên thiếu kiến thức về doping mà sơ sẩy trong kiểm soát ăn uống, rất dễ dẫn đến các nguy cơ vi phạm về doping.

Tại ASIAD 19, theo quy định của Ban Tổ chức, tất cả vận động viên phải có chứng chỉ ADEL (anti doping education and learning platform) do Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) cấp mới được tham dự Đại hội. Đây là quy định rất mới và sẽ được áp dụng không chỉ tính từ ASIAD 19 mà còn ở tất cả sự kiện thể thao đa môn cấp châu lục, thế giới sau này và tiến tới các giải đấu đơn môn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã nêu rõ các vận động viên Việt Nam có thể không có huy chương nhưng không được phép có vấn đề về doping...

- Xin cảm ơn Cục trưởng về cuộc trò chuyện! Chúc Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công và thực hiện được mục tiêu đã đề ra./.