Hoàn thiện cơ chế về tài chính, các quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí vấn đề được nhiều đại biểu, dư luận quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là yêu cầu phù hợp thực tiễn, rất cần thiết, bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh, xu hướng và yêu cầu các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ, từ đó đặt ra yêu cầu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ chế tài chính để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vừa thông tin, tuyên truyền đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội.
Trên thực tế, sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia, doanh thu của các cơ quan báo chí cùng với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tài chính càng khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí khó khăn hơn.
Chưa kể, với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất... Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu vì thế Nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.
“Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội khác, việc hoàn thiện cơ chế về tài chính, thông tư quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí là rất cần thiết, phù hợp thực tiễn để các cơ quan báo chí vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện công tác thông tin đời sống xã hội. Còn định mức cụ thể sẽ phải phù hợp với từng địa bàn, địa phương, lĩnh vực và phụ thuộc yêu cầu của từng loại hình báo chí,” đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh.
Bên cạnh cơ chế giao nhiệm vụ chi thường xuyên từ ngân sách thì việc áp dụng cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là một nguồn lực quan trọng để tăng kinh phí cho cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập.
Về cơ chế đặt hàng thông tin với các cơ quan báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với các cơ quan báo chí, đã đặt ra vấn đề các cơ quan Nhà nước cần đặt hàng thường xuyên, định kỳ về công tác thông tin, tuyên truyền; bên cạnh đó là đặt hàng trực tiếp khi có những sự kiện đột xuất, chuyên đề riêng... Khi đặt hàng cần đảm bảo thực hiện theo kế hoạch và có chi trả phù hợp theo quy định để các cơ quan báo chí hoạt động, triển khai hiệu quả. Từ đó đặt ra yêu cầu khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các thông tư quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí; sửa đổi quy định cơ chế đặt hàng, kiểm soát việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, bối cảnh đó yêu cầu các cơ quan báo chí phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới hoạt động, công tác thông tin tuyên truyền; từ đó nâng cao sự phối hợp giữa báo chí và các cơ quan, đơn vị.
Trước đó, thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 29/5 về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cũng đề nghị cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí.
Đại biểu cho biết, báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm tra kết quả phát triển kinh tế xã hội cho thấy, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng, đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia đặt ra nhiều thách thức và khiến doanh thu các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.
Trong khi đó, kinh phí sản xuất ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân viên, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền, nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế, khiến hoạt động của cơ quan báo chí đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Từ đó, đại biểu kiến nghị: “Xuất phát từ tình hình thực tế, kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện để ban hành sớm các thông tư quy định về định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đảm bảo tính đúng, tính đủ, đồng thời sửa đổi quy định về cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan báo chí.”
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn An Giang đề nghị có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại hình báo chí.
Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra và các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi việc hoàn thiện các quy chế về cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về quy trình xây dựng thẩm định và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mục tiêu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá (đơn giá) dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực báo chí, đồng thời làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xác định giá sản phẩm dịch vụ công trong lĩnh vực báo chí thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông./.