Tháo gỡ để chủ hộ kinh doanh có lương hưu
12:16 - 05/06/2023
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016, đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể (KDCT) của 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016, đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể (KDCT) của 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc.
![Tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến người lao động. Ảnh - BHXH Việt Nam.](https://media.phapluatplus.vn/files/docuong/2023/06/05/bh-2-0931.jpg)
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến người lao động. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Nguyên nhân bị thu bảo hiểm sai luật
Hiện nay, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp. Còn theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm và sử dụng dưới 10 lao động. Chủ hộ kinh doanh là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên khác ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc cho lao động thuê mướn, giao kết hợp đồng; còn chủ hộ kinh doanh không thuộc diện đóng bắt buộc.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang đề xuất mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH BB) đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Liên quan đến thông tin phản ánh 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc nhưng có những trường hợp chưa được tính thời gian đóng để được giải quyết hưởng các chế độ BHXH này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về việc này.
Theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm. Việc các chủ hộ kinh doanh cá thể tự tạo việc làm "rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như một người lao động (được đóng BHXH bắt buộc)". Thời gian này chưa có chính sách BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, từ nhu cầu của người lao động được tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT). Số đông chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động, thông qua sản xuất kinh doanh mà có thu nhập, tiền lương.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định: "Như vậy có thể coi là một dạng của hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký, nên chủ hộ tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT như người lao động".
Điểm vướng cuối cùng là là các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia BHXH cho các thành viên trong hộ nếu bản thân không được tham gia.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc thoái thu bảo hiểm xã hội thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện, do không có sự đồng thuận từ phía người lao động là chủ hộ kinh doanh cá thể. Do đó, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng vì đã tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài.
Hướng tháo gỡ
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2003 đến nay, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tính thời gian đóng, chưa được hưởng chế độ "do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH". Vì vậy năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, đồng thời báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người đóng.
Bình luận về việc từ năm 2003 đến 2021, tại nhiều địa phương có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ KDCT nhưng đến nay chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH. Ông Nguyễn Trung Thành - Cty Luật TNHH Đông Tây (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Nếu như trước đây, chế độ hưu trí chỉ áp dụng với công chức, lao động nhà nước, người làm công hưởng lưu hưu. Sau năm 1994, kinh tế dần mở cửa, các quan hệ lao động cũng phát sinh. Các hộ kinh doanh tạo ra việc làm song vẫn chưa ngang hàng với lao động khu vực nhà nước vì chưa được tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
Tới năm 2003, Nghị định 01 ra đời đưa nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc, trong đó có hộ KDCT nhưng chủ hộ KDCT không thuộc diện đóng bắt buộc vì không có hợp đồng, không được trả lương. Tuy nhiên, mỗi hộ KDCT trung bình chỉ có vài lao động, trong khi đó, số đông chủ hộ mặc dù là người sử dụng lao động nhưng đồng thời cũng là NLĐ trực tiếp sản xuất kinh doanh; thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có được khoản thu nhập, tiền lương (có trường hợp là thành viên hộ gia đình được ủy quyền làm chủ hộ).
Xuất phát từ thực tiễn đó và nhu cầu được tham gia BHXH bắt buộc (khi chưa có chính sách BHXH tự nguyện), các chủ hộ KDCT đăng ký tham gia BHXH cho mình và các lao động khác trong hộ sản xuất với mong muốn được hưởng chế độ hưu trí khi về già.
"Tôi cho rằng, việc các chủ hộ KDCT chủ động lập danh sách đăng ký tham gia BHXH BB cho mình và cho cả NLĐ trong hộ cũng là chính đáng, dễ hiểu, nhất là khi thời điểm đó, chính sách BHXH chưa thể thay đổi kịp để đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Vì vậy, việc cần thiết bây giờ là chúng ta phải có giải pháp để đảm bảo đầy đủ quyền lợi, đáp ứng đúng nguyện vọng, mong mỏi chính đáng cho những chủ hộ KDCT này" - ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng gợi mở, đề xuất gì về hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi BHXH cho các đối tượng này. Cụ thể theo ông Thành: "Việc chủ hộ KDCT tham gia BHXH bắt buộc một phần xuất phát từ bất cập của cơ chế chính sách khi mà chưa thay đổi kịp để bắt nhịp được với mong muốn tham gia BHXH BB của chủ hộ KDCT. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của người dân, tôi cho rằng, cơ chế chính sách cần có sự thay đổi linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát sinh".
Các chủ hộ KDCT tham gia BHXH BB đều có mong muốn được giải quyết chế độ chính sách BHXH nên việc thoái thu là bất khả kháng. Cần giải quyết đúng nguyên tắc của BHXH là đóng-hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi các chế độ BHXH bắt buộc.
"Từ thực tiễn và nguyện vọng này của chủ hộ KDCT, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH cần trình Chính phủ, Quốc hội có giải pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi BHXH BB trên nguyên tắc đóng – hưởng (đã được quy định tại Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014) cho các chủ hộ KDCT từ năm 2003-2021. Hướng giải quyết này, tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28 và dự thảo Luật BHXH sửa đổi về việc m ở rộng, phát triển diên bao phủ BHXH về đối tượng tham gia và hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu; mở rộng chủ hộ KDCT và một số nhóm đối tượng khác thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc" - ông Thành bày tỏ.