Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư BOT, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát, chủ động tháo dỡ các biển báo không còn phù hợp với hình thức thu phí không dừng tại khu vực các trạm thu phí do đơn vị quản lý.

Lý do được Cục Đường bộ đưa ra bởi hiện tại một số trạm thu phí còn các biển báo chưa phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng như biển “Cấm dừng xe quá 5 phút”; “Cửa nhận vé"...

Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, VEC khẩn trương rà soát, chủ động tháo dỡ các biển báo không còn phù hợp với hình thức thu phí không dừng tại khu vực các trạm thu phí do đơn vị mình quản lý. Biển báo hiệu thu hồi phải được quản lý, bảo quản theo quy định.

Báo cáo của Cục Đường bộ cho thấy, từ ngày 1/8/2022, 10 tuyến cao tốc trên cả nước sẽ chỉ tiến hành thu phí ETC bao gồm cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Bắc Giang-Lạng Sơn, Hạ Long-Vân Đồn, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Liên Khương-Đà Lạt; Long Thành-Dầu Giây và Trung Lương-Mỹ Thuận.

[sẽ xây dựng đề án nghiên cứu thu phí đường bộ bằng công nghệ vệ tinh]

Ngoài ra, toàn bộ các trạm thu phí mở trên các tuyến Quốc lộ cũng đã được vận hành thu phí ETC theo phương án chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy. Các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí ETC toàn bộ từ ngày 1/8/2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam vào giữa tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu cơ quan này cần nghiên cứu các ưu nhược điểm của thu phí đường bộ qua vệ tinh để áp dụng vào Việt Nam, không chỉ phục vụ thu phí cao tốc mà cả thu phí nội đô.

Liên quan đến chỉ đạo này, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết hiện đang nghiên cứu thu phí bằng công nghệ vệ tinh và sẽ xây dựng đề án, đánh giá các ưu nhược điểm của công nghệ để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét./.

Việt Hùng (Vietnam+)