Một tỷ lệ khá cao (hơn 43%) trong số gần 13.000 công chức được khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp.
Nội dung được nêu trong Đề án Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành.
Để có cơ sở đánh giá khách quan thực trạng nền công vụ, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát với quy mô 12.869 phiếu đối với đối tượng công chức và 76.601 phiếu đối với đối tượng viên chức trên địa bàn thành phố, nhằm thu thập thông tin về quan điểm, cảm nhận và thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với nền công vụ Thành phố.
Theo kết quả khảo sát, áp lực công việc đang đè nặng lên các công chức, ảnh hưởng đến sự gắn bó và động lực phụng sự cho khu vực công. Hơn 75% công chức đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Một tỷ lệ khá cao, với hơn 43% các công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội phù hợp.
Kết quả khảo sát cho thấy một nghịch lý, là dù có tới hơn 74% công chức cho rằng sẽ sẵn sàng thực hiện mọi việc để ở lại cơ quan, đơn vị mình đang công tác nhưng lại có tới hơn 43% công chức sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại khi có cơ hội, trong khi gần 22% còn đang phân vân. Có 3 lý do nổi bật khi công chức lựa chọn rời bỏ công việc là thu nhập quá thấp, công việc quá áp lực và không có cơ hội thăng tiến.
Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, áp lực công việc nhiều nhất ở cấp cơ sở, với gánh nặng quá tải công việc tập trung ở nhóm công chức ở phường, xã, thị trấn.
Hơn 80% công chức ở nhóm này đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều và rất nhiều. Đây là cấp có mức thu nhập thấp nhất, khối lượng công việc nhiều, có tỷ lệ sẵn sàng thay đổi công việc cao nhất. Vấn đề về thiếu nhân lực cũng thể hiện rõ nét ở cấp cơ sở.
“Chế độ tiền lương là một vấn đề lớn, mức thu nhập quá thấp là một trong những lý do hàng đầu cho việc sẵn sàng thay đổi công việc của công chức khi có cơ hội,” Ủy ban Nhân dân Thành phố nêu rõ trong Đề án.
Trong khi đó, kết quả khảo sát viên chức cũng cho thấy một số vấn đề, như nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu nhân lực. Việc thiếu nhân lực, viên chức sẽ phải làm việc quá sức, căng thẳng có thể góp phần làm cho họ không hài lòng hoặc có ý định bỏ việc, chuyển việc. Đa số đánh giá thu nhập chưa xứng kết quả công việc, thu nhập của viên chức phân bố chủ yếu ở mức trung bình.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, bức tranh về viên chức có “gam màu sáng” hơn công chức. Khoảng 70% người trả lời là sẽ không rời bỏ đơn vị dù có nơi khác mời với thu nhập cao hơn, vì họ đang hài lòng với các mối quan hệ ở nơi làm việc hiện tại; 70% ý kiến đồng ý và hoàn toàn đồng ý cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc.
Việc Thành phố ban hành Đề án nhằm hướng tới xây dựng nền công vụ thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phụng sự nhân dân và kiến tạo phát triển, với đội ngũ công chức, viên chức “muốn làm, làm được, được làm.”
Mục tiêu năm 2025 là nhận diện đúng vấn đề và từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại ở 3 yếu tố của nền công vụ là năng lực, động lực và môi trường; ưu tiên cải thiện các yếu tố liên quan trực tiếp đến đội ngũ công chức, viên chức.
Phát huy sự đổi mới của đội ngũ công chức, viên chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn thành phố.
Giai đoạn 2026-2030, Thành phố tiếp tục tập trung hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế và tổ chức bộ máy chính quyền đô thị; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả; ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đáp ứng mục tiêu “muốn làm, làm được, được làm”./.
Nguồn: Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu quả | Vietnam+ (VietnamPlus)