Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều chính sách mới thu hút kiều hối

11:45 - 29/09/2024

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản.

Người Việt tại Cộng hòa Síp. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)
Người Việt tại Cộng hòa Síp. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Nhằm huy động nguồn lực kiều hối cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định phê duyệt Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn từ nay đến năm 2030.

Theo quyết định này, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh được giao chủ trì triển khai đề án. Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách phối hợp ủy ban thực hiện đề án gắn kế hoạch công tác hằng năm đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Đề án nêu các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh. Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi.

Đề án định hướng huy động nguồn kiều hối vào kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, bán các tài sản công… Đồng thời, hỗ trợ kết nối các tổ chức tài chính, công ty kiều hối nhằm đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, các nước có đông người Việt Nam lao động, sinh sống, kết hợp mở rộng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài chuyển kiều hối về Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cho phép người nước ngoài có gốc Việt Nam không cư trú ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng được mở tài khoản, được lựa chọn giữ tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

Đề án cũng định hướng phát huy vai trò của các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như cung cấp sản phẩm tài chính về gửi tiền, đầu tư với điều kiện ưu đãi, cũng như các dịch vụ tài chính linh hoạt, tiện ích đối với nguồn kiều hối.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng 3 sản phẩm “tài khoản song song,” một trong các tài khoản được dùng để gửi tiền về cho gia đình tại thành phố và người thân của họ tại thành phố được toàn quyền sử dụng tài khoản đó. Tài khoản thứ hai chỉ người Việt Nam ở nước ngoài mới có thể truy cập và có thể được sử dụng để tích lũy tiền cho đầu tư sau này.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra giải pháp hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối như: quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất vừa và nhỏ, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài... để hỗ trợ các nhà đầu tư người Việt từ nước ngoài quay về lập nghiệp, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối.

Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất phát hành trái phiếu với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm nhằm thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế…

Định hướng nguồn kiều hối vào phát triển các loại hình thị trường, ngành kinh tế, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thông tin phổ biến cho người Việt ở nước ngoài về các dự án, công trình kêu gọi đầu tư của thành phố để thu hút nguồn kiều hối tham gia; định hướng nguồn kiều hối đầu tư vào các công trình cộng đồng như bệnh viện, trường học, nhà máy nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo ra cơ hội đầu tư và kinh doanh…

Trong quá trình triển khai thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị thực hiện không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng kiều hối nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để làm phong phú, đa dạng nguồn kiều hối về thành phố được thông suốt và phát huy hiệu quả tối đa nguồn kiều hối…

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 2,8 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với thành phố, chiếm khoảng gần 50% số lượng này của cả nước; trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, ước khoảng hơn 2 triệu người, tiếp theo là Anh, Australia, Canada.

Ngoài ra, còn các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có đông người Việt.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là trung tâm thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước với số kiều hối hàng năm chiếm 38-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2012-2023, nguồn kiều hối chuyển về thành phố thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế, công ty kiều hối trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ ước đạt hơn 65 tỷ USD, với mức tăng trung bình từ 3% đến 7%/năm.

Nguồn kiều hối gửi về không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, mà còn hỗ trợ giảm căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Với đặc tính là nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại, nó tạo ra nguồn vốn ổn định cho phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Nguồn ngoại tệ từ kiều hối không cần điều kiện đầu tư so với các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ khác cho thành phố. Hiện tại, các lĩnh vực tạo ra nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu hoặc du lịch phải đầu tư khá lớn về cơ sở hạ tầng, chính sách.

Ngoài ra, kiều hối đóng góp cho sự gia tăng tiết kiệm, được sử dụng cho các hoạt động đầu tư trực tiếp, được gửi bằng ngoại tệ hoặc bản tệ vào các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác và một phần có thể được dự trữ dưới dạng tiền mặt, vàng...

Bên cạnh đó được dùng một phần đầu tư trực tiếp, kiều hối được gửi vào các tổ chức tài chính sau đó được cho vay tài trợ vào hoạt động đầu tư phát triển kinh tế.

Thời gian qua, kiều hối chuyển về thành phố lại từng bước dịch chuyển vào thị trường chứng khoán, đầu tư trái phiếu, hợp tác sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, góp phần trực tiếp vào việc mở rộng đầu tư trong nước, tạo việc làm trong nền kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và đây cũng là lí do Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030 được phê duyệt triển khai thực hiện./.

Nguồn: Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều chính sách mới thu hút kiều hối | Vietnam+ (VietnamPlus)